Hơn 2.000 dự án chi sai ngân sách
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc vừa ký Báo cáo 45/BC-KTNN, báo cáo tóm tắt tổng hợp kết quả kiểm toán 2019. Theo đó, qua kiểm toán 2.055 dự án có sai sót, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 14.729 tỷ đồng.
Bố trí vốn dự án không đúng quy định
Liên quan đến vấn đề chi ngân sách nhà nước (NSNN), KTNN có báo cáo gửi Quốc hội, cho biết năm 2019, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 nguồn NSNN 5 lần sau ngày 20-12-2017. Bộ KH-ĐT bố trí vốn cho một số dự án chưa đúng đối tượng và thứ tự ưu tiên; giao vốn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ một số dự án chưa phù hợp quy định của Luật NSNN. Đặc biệt, tiếp tục giao 2.364 tỷ đồng kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng nghị quyết của Quốc hội.
Theo KTNN, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.
Cụ thể, 15/45 địa phương ứng trước dự toán NSTW nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng; 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến 31-12-2018 là 7.534 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 122 tỷ đồng; ngân sách địa phương tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi 5.059 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho các địa phương theo tiêu chí dân số không phù hợp, dẫn đến xác định số bổ sung cân đối năm đầu thời kỳ ổn định từ NSTW cho các địa phương trên cơ sở quỹ lương không công bằng.
KTNN cho biết còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.055 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 14.729 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 9 dự án BOT và 29 dự án BT tại các địa phương, cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.
“Nổi bật là cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT, hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng.
Giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập” - báo cáo KTNN nêu rõ.
Kinh doanh không hiệu quả
Kết quả kiểm toán cho thấy 31/36 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT), công ty được kiểm toán sản xuất kinh doanh có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thu nhập bình quân của người lao động tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp được kiểm toán còn một số hạn chế, tồn tại.
Cụ thể, phần lớn đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN, qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kiến nghị tăng thu NSNN 1.976 tỷ đồng. Nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định.
Một số đơn vị để vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; đầu tư, sử dụng tài sản cố định không hiệu quả. Một số dự án, công trình đã kết thúc, dừng thi công hoặc kéo dài thời gian thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, gây ứ đọng vốn.
Một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; hệ số bảo toàn vốn thấp; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; có dấu hiệu mất an toàn tài chính hoặc được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định.
Đặc biệt, nhiều công ty con của TĐ, TCT sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; một số khoản đầu tư của TĐ, TCT vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Một số đơn vị đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; chi trả cổ tức chưa kịp thời; lập báo cáo giám sát, ban hành quy chế người đại diện vốn chưa đúng quy định; tình trạng sở hữu chéo tại các doanh nghiệp trong cùng TĐ, TCT chưa được khắc phục.
Việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với thực tế; chưa ban hành quy định về phân phối tiền lương, trích quỹ lương vượt quy định, chi vượt quỹ lương được duyệt, chưa đóng đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động…
Ngoài ra, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN; giao khoán đất cho hộ gia đình, cá nhân chưa đúng quy định. TCT Xây dựng Sài Gòn chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được UBND TPHCM chấp thuận.
Một số công ty khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn; khai thác vượt mức sản lượng, công suất được cấp phép; chưa tạm tính và nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần sản lượng khai thác vượt mức; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác theo quy định.
Nhiều TĐ, TCT, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng theo quy; còn vướng mắc trong việc xác định giá trị văn hóa lịch sử khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/hon-2000-du-an-chi-sai-ngan-sach-80829.html