Hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ quan quản lý chưa có công cụ để kiểm soát các loại quảng cáo thực phẩm chức năng. Hiện Bộ đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo vi phạm.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào đầu giờ chiều 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp hàng loạt câu hỏi liên quan đến tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, phản cảm tràn lan trên nền tảng số.
Người đứng đầu ngành thừa nhận Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn.
Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Bản thân người dùng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn lưu bằng chứng hoặc phản ánh. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có công cụ để phát hiện các quảng cáo mang tính đối tượng này.
Trong quá trình rà soát thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube.
Thậm chí, một số nhãn hàng có hành vi cắt ghép các bản tin của đài, báo thành quảng cáo thực phẩm chức năng. Bộ trưởng khẳng định đây là trường hợp vi phạm pháp luật và sẽ được tổng hợp để gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế nhằm phối hợp xử lý.
“Người dân khi nhìn thấy quảng cáo này hãy chụp ảnh màn hình và gửi đến cơ quan chức năng. Bộ sẽ dùng ảnh này để yêu cầu nền tảng gỡ xuống”, Bộ trưởng khuyến cáo.
Một vấn đề khác được đại biểu Trình Lam Sinh trình bày tình trạng lộng hành cuộc gọi thông báo người dân vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt nếu không muốn bị cơ quan điều tra khởi tố. Trong đó, câu hỏi đáng quan tâm nhất là vì sao kẻ xấu lại nắm bắt được thông tin chi tiết, gồm tên tuổi, nơi làm việc, chức danh của người dân.
Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 2 nhóm nguyên nhân là kỹ thuật và phi kỹ thuật.
Trong đó, nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam, theo báo cáo của ngành công an có đến 1.300 GB, tính ra hàng tỷ thông tin.
Còn nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra ngoài.
Để khắc phục và hạn chế tình trạng này, Bộ đã ban hành Cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó hướng dẫn cách thức để người dân tự bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng cơ sở dữ liệu lộ lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Hiện có 120 triệu thực thể thông tin bị lộ, lọt. Do đó, người dân có thể tra cứu để biết tài khoản, email mình có thể bị lộ hay không.
Một trong những giải pháp khác là yêu cầu các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.