Hơn 2,1 ngàn cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính

Từ ngày 1-10, cả nước có hơn 2,1 ngàn cơ sở nằm trong 6 nhóm lĩnh vực theo quy định của Chính phủ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK). Việc này nhằm đánh giá thực trạng, tìm ra giải pháp giảm phát sinh khí thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty CP Thibidi (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành).

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty CP Thibidi (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành).

Nội dung này đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp (DN).

6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính

Để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp; đồng thời, đạt các cam kết về môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam với quốc tế, ngày 13-8-2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg về danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê KNK.

Theo quyết định trên, từ ngày 1-10-2024, hơn 2,1 ngàn cơ sở thuộc 6 lĩnh vực: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp - lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải phải thực hiện kiểm kê KNK. Cơ sở thuộc lĩnh vực nào thì làm kiểm kê theo hướng dẫn và nộp báo cáo về cho cơ quan chuyên môn của lĩnh vực đó theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh.

Năm 2024, cả nước có 2.166 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, trong đó hơn 1,8 ngàn cơ sở thuộc ngành công thương, còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Đồng Nai có 216 cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.

Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương cho biết, nhằm hỗ trợ các DN hoạt động trong KCN trên địa bàn tỉnh hiểu và thực hiện tốt quy định, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai vừa phối hợp với một số đơn vị, diễn giả có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này tổ chức Hội nghị Tập huấn kiểm kê KNK - Những nội dung DN cần chuẩn bị, thực hiện. Hội nghị thu hút gần 200 DN tham gia.

Cũng theo bà Nương, trên địa bàn tỉnh hiện có 34 KCN đã thành lập với tổng diện tích hơn 11,5 ngàn hécta, trong đó 31 KCN với hơn 2 ngàn DN đang hoạt động. Quá trình hình thành và phát triển các KCN, mỗi giai đoạn có những yêu cầu, mục tiêu và ưu tiên khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh không thể tách rời các chiến lược quốc gia và cam kết quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK, chống biến đổi khí hậu…

“Hội nghị là cơ hội để các DN hiểu, tuân thủ và xây dựng kế hoạch phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải và hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh” - bà Nương nhấn mạnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, hiện Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đầu năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh ưu tiên giảm phát thải KNK cũng giống quy định của Chính phủ.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, đối với các DN có mục tiêu gắn bó lâu dài tại tỉnh, việc nắm bắt để tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của tỉnh trong lĩnh vực môi trường không chỉ đảm bảo cho hoạt động ổn định, mà còn nâng tầm uy tín của DN khi tham gia thị trường quốc tế.

Lợi thế ở “sân chơi” toàn cầu

Đồng Nai đang áp dụng nhiều giải pháp để giảm phát thải KNK, mục tiêu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0. Theo đó, tỉnh chủ trương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN xanh, KCN sinh thái; chọn lọc thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, ít tác động đến môi trường; hỗ trợ và khuyến khích DN thực hiện giảm phát thải KNK thông qua sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế và tái sử dụng chất thải, đổi mới công nghệ…

Tiến sĩ Trần Thanh Tâm (Trường đại học Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, có 5 lý do DN phải thực hiện kiểm kê KNK: đây là quy định của pháp luật, thể hiện trách nhiệm của cơ sở, giảm rủi ro và tăng cơ hội, dễ dàng tham gia vào thị trường carbon và lý do cuối cùng đây là điều kiện để xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường.

Tiến sĩ Trần Thanh Tâm đã cung cấp cho các DN cái nhìn tổng quan và chi tiết về lộ trình kiểm kê KNK tại Việt Nam. Các phương pháp tính toán và công cụ đo phát thải KNK; hướng dẫn lập báo cáo và công bố lượng phát thải theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Theo đại diện Công ty CP Giải pháp nền tảng số Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), việc triển khai kiểm kê KNK là một bước đi chiến lược giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chương trình này không chỉ hỗ trợ DN tiếp cận, tuân thủ các quy định môi trường, duy trì sự cạnh tranh và uy tín trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn góp phần xây dựng nền móng cho một hệ sinh thái công nghiệp xanh tại Đồng Nai.

Theo quy định, các DN nằm trong danh mục bắt buộc 2 năm/lần phải gửi báo cáo kiểm kê KNK về UBND cấp tỉnh. Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ căn cứ vào báo cáo này để phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng ngành và cơ sở theo chiến lược giảm thiểu phát thải KNK của quốc gia. Việc tổ chức hội nghị phổ biến cho DN về trách nhiệm, phương pháp và cách thức là cơ sở để triển khai quy định một cách có hiệu quả.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/hon-21-ngan-co-so-phai-kiem-ke-khi-nha-kinh-a6559f6/