Hơn 200 con lợn tại Huế chết chưa rõ nguyên nhân, nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Từ đầu tháng 7 đến nay, tại xã miền núi Nam Đông, thành phố Huế đã ghi nhận hơn 200 con lợn chết bất thường. Tình trạng này khiến nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Lợn bắt đầu chết rải rác từ ngày 8/7 tại một số hộ dân, sau đó lan rộng ra 5 thôn trong xã. Ông Cao Viết Hùng, trú thôn 9, cho biết đàn lợn của gia đình ông đã chết 25 con sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh và được tiêm thuốc nhưng không khỏi.
“Tui phát hiện ra đầu tiên là con heo mẹ lơ ăn. Sau đó, tui mới mua thuốc về điều trị liền là nó ăn. Ăn được ba ngày sau nó không ăn nữa. Tui điện thú y xã về, điều trị ba ngày thì heo chết. Heo chết xong là qua con heo mẹ thứ hai triệu chứng cũng như rứa khi đó tui báo cáo với UBND xã”.

Hộ ông Cao Viết Hùng, trú thôn 9, xã Nam Đông có 10 con lợn bị chết chưa rõ nguyên nhân
Ngay sau khi ghi nhận tình trạng bất thường, UBND xã Nam Đông đã ban hành văn bản yêu cầu các thôn tăng cường giám sát, phòng chống dịch. Lực lượng thú y địa phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế tiến hành lấy mẫu, kiểm tra dịch tễ, đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng.

Những con lợn bệnh nằm thoi thóp
Ông Cao Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông cho biết, phần lớn lợn chết tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không giết mổ, mua bán lợn bệnh; hướng dẫn chôn lấp, xử lý xác lợn đúng quy định để ngăn chặn dịch lây lan.
“Hiện tại, chính quyền xã đã có công văn, gửi cho tất cả các ngành về thôn, thú y viên và tuyên truyền các thôn số lượng báo cáo hằng ngày. Vấn đề là khi có heo chết thì tiến hành chôn lấp theo đúng quy định, khử trùng, bơm thuốc diệt khuẩn và vôi, đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Ông Cao Viết Hùng đào hố để chôn những con lợn chết
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn thành phố Huế đã ghi nhận 38 người mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Các ca bệnh có xu hướng tăng nhanh từ cuối tháng 6 đến nay, chủ yếu liên quan việc ăn tiết canh hoặc thực phẩm từ lợn chưa được nấu chín.