Hơn 200 ứng viên rút lui để ngăn phe cực hữu nắm quyền ở Pháp
Theo thống kê của tờ Le Monde, 218 ứng cử viên trung dung và cánh tả đã xác nhận không tham gia cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2. Đây là một động thái chiến thuật nhằm ngăn đảng cực hữu lên nắm quyền.
Theo hãng tin BBC và CNN, theo lịch trình, bầu cử vòng 2 vào Quốc hội Pháp - gồm 577 ghế, sẽ diễn ra vào ngày 7/7. Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) chống nhập cư của bà Marine Le Pen đã dẫn trước trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên hôm 30/6 trong khi phe trung dung của Tổng thống Macron đứng thứ 3, sau cả khối cánh tả.
Quyết định rút lui của các ứng viên chính là một nỗ lực tránh chia rẽ phiếu bầu. Họ đã gạt sang một bên những khác biệt vì một mục tiêu: ngăn phe cực hữu nắm được 289 ghế cần thiết để có được đa số tuyệt đối ở Quốc hội.
Sau cuộc bầu cử vòng đầu tiên không có ứng viên nào giành chiến thắng hoàn toàn, số lượng ghế chưa từng có - hơn 300 vị trí, đã chuyển sang cuộc tranh cử 3 bên, nghiêng về đảng RN. Tuy nhiên, sau khi các ứng viên trung dung và cánh tả rút lui có chủ đích, chỉ còn khoảng 108 cuộc cạnh tranh 3 bên, thay vì hơn 300 như trước.
Theo nhà phân tích Antoine Bristielle, chiến thuật này có thể ngăn cản một số ứng cử viên RN giành chiến thắng. "Xác suất chính là đa số tuyệt đối dành cho đảng RN, nhưng với số ứng viên rút lui hiện giờ, tôi nghĩ điều đó khó xảy ra".
Để ngăn đảng RN giành đa số tại Quốc hội, NPF - liên minh cánh tả muốn hạ thấp tuổi nghỉ hưu và đánh thuế người giàu, đã cam kết rút toàn bộ các ứng viên đứng ở vị trí thứ 3 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Leslie Mortreux, một ứng viên đủ điều kiện của NFP, đã quyết định nhường bước để trao cho Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin một cơ hội tốt hơn để đánh bại đối thủ RN tại một khu vực bầu cử ở phía bắc.
Ôn Jordan Bardella, chủ tịch 28 tuổi của RN và là nhân vật tiềm năng cho vị trí thủ tướng Pháp đã lên án những thỏa thuận trên. Ông Bardella nói, đó là kết quả của một "liên minh ô nhục" giữa các đảng mà cho đến nay vẫn luôn đối đầu với nhau.