Hơn 230 nghìn học sinh Hà Nam trở lại trường
Hôm nay (26/5) hơn 235 nghìn học sinh thuộc tỉnh Hà Nam trở lại trường để hoàn thành chương trình năm học, sau hơn 20 ngày nghỉ phòng dịch Covid-19.
Theo đó, học sinh bậc tiểu học, các khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 và sinh viên, học viên giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh trở lại trường. Các khối lớp 5, 9 và 12 được chia ca đến trường, sắp xếp lịch ôn tập hợp lý.
Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, sáng nay học sinh đã quay trở lại trường. Các trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch. 100% học sinh cũng như cán bộ, giáo viên đeo khẩu trang, sát khuẩn và giữ khoảng cách theo quy định.
“Trước khi học sinh trở lại trường học, các đơn vị đã thực hiện phun khử khuẩn đảm bảo an toàn. Đồng thời, các trường cũng cập nhật thông tin sức khỏe của cán bộ, giáo viên, học sinh hàng ngày để có phương án xử lý kịp thời”, ông Tuấn cho hay.
Ghi nhận tại trường THPT chuyên Biên Hòa (TP Phủ Lý), học sinh và giáo viên thực hiện rất nghiêm chỉnh các quy định phòng chống dịch. Ngoài khẩu trang, những chai cồn sát khuẩn cũng được sắp sẵn ngoài cửa lớp. Đồng thời, khoảng cách ngồi giữa các học sinh cũng được bảo đảm.
Bà Phạm Thị Ngân – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Biên Hòa, cho biết: “Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng các học sinh cũng không bị tâm lý đè nặng. Các em khá thoải mái để học hệ thống lại kiến thức cũ trong thời gian học trực tuyến vừa qua”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nam, trong thời gian tạm nghỉ đến trường do dịch Covid-19. Các trường tại địa phương đã tổ chức học online và hoàn thành chương trình. Các trường sẽ cho học sinh kiểm tra học kỳ II, ôn tập thêm nếu còn thời gian, trước khi kết thúc năm học.
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh trường THPT Thanh Liêm A, cho biết: Trong thời gian 20 ngày học trực tuyến, bọn em rất chăm chú lắng nghe. Tuy có những điều chưa hiểu nhưng khi đến trường, là cơ hội để nghe thầy cô giảng giải thêm.
Hà Nam là tỉnh đầu tiên cho học sinh dừng đến trường ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5, do phát hiện ca Covid-19 ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý (Lý Nhân) từ ngày 27/4. Từ đó đến hết ngày 25/5, tỉnh này ghi nhận 39 ca dương tính với SASR-CoV-2.
Theo báo cáo của các trường đến Sở GD&ĐT, một số học sinh thuộc diện F0, F1 phải cách ly và điều trị. Tuy nhiên, các học sinh thuộc diện này vẫn thực hiện được chương trình học trực tuyến, chưa có trường học sinh nào phản ánh không theo kịp chương trình.
Theo giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam, việc học trực tuyến có những hạn chế nhất định. Vì thế ngành giáo dục địa phương kết hợp giữa công tác dạy bài mới và hệ thống lại kiến thức cũ trong thời gian học sinh học trực tuyến.
“Ở một số vùng nông thôn, một số học sinh không đạt được yêu cầu như mong muốn. Nguyên nhân do nhiều gia đình không có máy tính, các em phải học trên điện thoại nên cũng hạn chế trong tiếp thu. Việc học online đơn thuần là truyền thụ kiến thức, các em không thể giao lưu, giao tiếp với nhau nên kiểm soát việc học cũng khó”, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết.
Không thể phủ nhận việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, hiệu quả từ học trực tuyến không thể bằng dạy học trực tiếp. Bởi vậy khi học sinh trở lại trường, giáo viên ngoài việc kiểm tra bài cũ để nắm bắt tình hình, còn phải hệ thống lại kiến thức cơ bản để học sinh nắm vững phương pháp, nội dung trước khi thực hiện các tiết học mới.
Tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19, Bộ GDĐT yêu cầu các Giám đốc các Sở GDĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 541/CĐTTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang trên đường đến trường và trên đường về nhà. Thực hiện đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.
Thực hiện nghiêm việc cài đặt và đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trên ứng dụng (App) Antoancovid, tự đánh giá và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống mỗi tuần hai lần.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.