Hơn 241 nghìn lao động bị nghỉ, giãn việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Tổng cục Thống kê cho biết, tình trạng người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm kéo dài từ quý IV-2022 tiếp diễn đến tận quý II-2023 nhưng đã có xu hướng giảm.
Theo cơ quan thống kê, quý II năm nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng hơn 100 nghìn người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay là khoảng 241,5 nghìn người, giảm 52,5 nghìn người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 66,3%, tiếp theo là dệt may với 14,4%;
Tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Bắc Giang (9,3 nghìn người), Bình Dương (9,8 nghìn người), Quảng Ngãi (10,3 nghìn người), Tiền Giang (11,9 nghìn người), Bình Phước (17,0 nghìn người), Ninh Bình (19,8 nghìn người), Thanh Hóa (98,3 nghìn người).
Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217,8 nghìn người, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành: dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 16,8%; 14,1%; 14,8% và 6,1%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), TP HCM (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người),…
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) và tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm.
Quý II-2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,0 triệu đồng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I-2023 và tăng 355 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, xu hướng giảm này cũng thường xuất hiện trong các năm gần đây (từ năm 2019-2021). Thu nhập của lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.
So với cùng kỳ năm 2022, đời sống của người lao động quý này được cải thiện chậm hơn. Mặc dù, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập giảm gần một nửa so với tốc độ tăng của quý II năm 2022. Tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II-2023 so với cùng kỳ năm 2022 là 5,4%, trong khi tốc độ tăng thu nhập bình quân của quý II-2022 so với cùng kỳ năm 2021 là 8,9%.
Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...;
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm...