Hơn 25.000 trẻ 11 tuổi ở Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19, 11 dấu hiệu cần lưu ý để đưa con đi viện ngay nếu gặp
Ngày 18/4, có thêm hơn 16.600 trẻ lớp 6 (11 tuổi) ở Hà Nội được tiêm vaccine COVID-19, nâng tổng số trẻ trong độ tuổi này được tiêm trong 3 ngày 16-18/4 lên gần 25.100.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội cập nhật lúc 19h ngày 18/4, hôm nay ngành Y tế TP và các bệnh viện đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 16.600 trẻ lớp 6 (11 tuổi), nâng tổng số trẻ trong độ tuổi này được tiêm trong 3 ngày 16-18/4 lên gần 25.100.
Vaccine dùng để tiêm cho trẻ em lần này là vaccine Moderna, liều 0,25ml. Sau khi được tiêm mũi 1, 28 ngày sau, những trẻ này sẽ được tiêm mũi 2.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19.
Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ từ 5-11 tuổi. Trong đó, có hơn 157.000 trẻ thuộc khối mẫu giáo; 743.200 trẻ em thuộc khối tiểu học năm học 2021-2022 và hơn 102.100 trẻ em thuộc khối THCS (năm học 2021-2022).
Ngoài ra, qua thống kê, có hơn 6.600 trẻ em trong độ tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn thành phố.
Trẻ nghi mắc COVID-19 không nên tiêm chủng
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 thì cũng không nên tiêm chủng. Nếu đã mắc COVID-19, trẻ cần được trì hoãn tiêm trong 3 tháng sau mắc.
Vai trò của phụ huynh trong việc theo dõi trẻ sau tiêm vaccine COVID-19 được các chuyên gia lưu ý. Trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm. Đây đều là những phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng, không bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Những phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm khi trẻ và gia đình đi ngủ. Trong khi trẻ trong độ tuổi này thường hiếu động, có trẻ chưa biết bày tỏ các bất thường của cơ thể. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, luôn bên cạnh con 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
Sau tiêm vaccine, trẻ cần được đảm bảo ăn uống, vận động, sinh hoạt ra sao?
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vaccine COVID-19, TS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - nhấn mạnh, cha mẹ cần lưu ý các mốc thời gian sau khi tiêm của trẻ: 30 phút tại điểm tiêm chủng; 24 tiếng sau tiêm; 3 ngày sau tiêm, 1 tuần và 28 ngày sau tiêm…
Trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức hay chơi thể dục thể thao.
Ngoài ra, theo chuyên gia, sau khi trẻ tiêm vaccine, cha mẹ cần ghi nhận nhiệt độ của trẻ mỗi 4-6 giờ.
Nếu trẻ có: Sốt dưới 38,5 độ C, cha mẹ cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, cha mẹ tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Không nên cho trẻ ngủ một mình, để ý trẻ khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng.
Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực.... Trẻ không cần kiêng tắm hay thức ăn gì, trừ những thức ăn đã từng khiến trẻ dị ứng trước đây.
Thấy một trong các dấu hiệu sau tiêm vaccine COVID-19 cần đưa trẻ đi viện
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;
- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;
- Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
- Vị trí tiêm thường sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ nên cần tiếp tục theo dõi, sưng to nhanh thì đi khám ngay.
Võ Thu