Hơn 250 triệu bản sách, xuất bản phẩm ra mắt 6 tháng đầu năm
Số ấn bản sách, xuất bản phẩm trong nửa đầu năm 2019 tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là điểm đáng mừng trong công tác phát triển văn hóa đọc.
Những con số trên được đưa ra tại Hội nghị Giao ban công tác Xuất bản 6 tháng đầu năm 2019. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 15/8.
Chủ trì hội nghị là ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Lượng sách tiếp tục tăng mạnh, sách vi phạm giảm
Ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) - trình bày về thành tích và những điểm hạn chế cần khắc phục của ngành Xuất bản trong nửa đầu 2019.
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay các nhà xuất bản (NXB) đăng ký xuất bản hơn 39.000 tên xuất bản phẩm với hơn 1 tỷ bản. Số xuất bản phẩm được làm và nộp lưu chiểu là hơn 17.000, với trên 250 triệu bản (tăng gần 44% số bản so với cùng kỳ 2018).
Sách giấy lưu chiểu là hơn 16.000 cuốn với trên 239 triệu bản. Sách điện tử có 92 bản lưu chiểu với trên 1 triệu lượt phát hành. Có 506 xuất bản phẩm khác như tranh ảnh, bản đồ, đĩa, tờ rời, tờ gấp, lịch với trên 10 triệu bản, cùng với gần 265.000 bản tài liệu không kinh doanh.
Ông Lâm đánh giá các xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm phục vụ nhu cầu đọc của xã hội với nhiều đối tượng khác nhau. Các NXB đã làm ra nhiều cuốn sách cho nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương.
6 tháng đầu năm, toàn ngành làm ra hơn 239 triệu bản sách giấy.
Bên cạnh xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các đơn vị có nhiều sách về hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa - văn nghệ dân tộc Việt Nam. Xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xuất bản phẩm phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn như 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh... được thực hiện. Đặc biệt, có nhiều xuất bản phẩm với nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia tiếp tục được các NXB chú trọng.
Bên cạnh đó, vẫn có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2018). Cụ thể, 22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, bị đình chỉ phát hành, sửa chữa tái bản…; 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả (giảm 20% so với cùng kỳ 2018); 14 xuất bản phẩm khác cũng được các NXB tự nhận ra sai sót và xử lý, báo cáo Cục Xuất bản.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT&TT) - cũng cho biết hai năm nay, tình hình xuất bản đang dần đi vào ổn định, kỳ nào cũng tăng trưởng về số đầu sách và lượng bản sách. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của các NXB. Trong đó, có nhiều NXB tiêu biểu như NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Tổng hợp TP.HCM, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ…
Những điểm sáng của phát triển văn hóa đọc
Bước sang phần thảo luận, ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào các vấn đề lớn. Thứ nhất, lựa chọn mô hình NXB nào cho hiệu quả. Thứ hai, sự bùng nổ thông tin như hiện nay sẽ ảnh hưởng, thách thức gì tới công tác xuất bản.
"Luật Xuất bản mới đã ban hành, có nghị định, thông tư, nhưng áp dụng trong thực tiễn ra sao cũng là vấn đề cần quan tâm", ông Hùng nói.
Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho hay cách đây 5 năm, chúng ta đạt 350 triệu bản sách/năm và đến 2019, qua 6 tháng đầu năm lượng phát hành đã tăng lên 250 triệu bản.
“Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần có đánh giá lý do tăng trưởng để tìm điểm mạnh phát huy sự tăng trưởng này. Đó không chỉ là con số khô cứng, mà là điểm đáng mừng”, ông Lê Hoàng nói.
Đề cập tới những điểm sáng của thị trường sách và hoạt động phát triển văn hóa đọc trong thời gian gần đây, Phó chủ tịch Hội Xuất bản nêu ra những điển hình của công tác phát hành, trong đó có sự tham gia của các trang thương mại điện tử góp phần đưa sách đến mọi miền Tổ quốc.
Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều điểm sáng trong hoạt động phát triển văn hóa đọc như cuộc thi Tìm kiếm Văn hóa đọc Thủ đô, dự án Sách hay cho Học sinh tiểu học, Tủ sách Nhân ái, chương trình Sách hóa nông thôn… Đây đều là những hoạt động mới nhưng thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc.
Xây dựng hạ tầng làm sách điện tử
Các đại biểu cũng nêu ra những vấn đề cần tập trung, thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp, chỉ đạo, quản lý các NXB thực hiện quy định về xuất bản, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từng bước xây dựng và ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Công tác biên tập nội dung xuất bản phẩm cũng là nhiệm vụ quan trọng.
Cục Xuất bản sẽ xây dựng thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ đặt ra với các NXB là thực hiện nghiêm túc quy định Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác biên tập, đọc duyệt, ký quyết định xuất bản, tránh để lọt ra thị trường những sách có nội dung sai lệch, chất lượng thấp.
Hiện, có 5/59 NXB phát hành xuất bản phẩm điện tử và một số NXB đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, lượng NXB làm sách điện tử vẫn còn ít. Vì vậy, các NXB cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, từng bước tiếp cận và thử nghiệm những phương thức xuất bản mới, tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển xuất bản điện tử trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho biết thời gian tới, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản NXB, các NXB cần rà soát lại chính sách, lựa chọn những chính sách hiệu quả để triển khai. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản cần phối hợp trong tập huấn đội ngũ biên tập viên - khâu quan trọng trong xuất bản. Văn hóa đọc có phát triển hay không, điểm mấu chốt nằm ở các NXB, vì nơi đây quyết định việc làm ra những cuốn sách hay, sách đẹp, hữu ích tới bạn đọc.
Tổng kết hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Vì thế, mỗi đơn vị, cá nhân tham gia công tác làm sách không chỉ làm sách hay, mà còn làm sách đẹp, chú trọng tới cả chất liệu giấy. Ông đề nghị các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, NXB chú trọng hơn trong việc giữ đúng diện mạo, tôn chỉ, mục đích của các NXB, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành.