Hơn 3.000 hộ dân miền Nam có điện lưới quốc gia
Trong dịp Tết vừa qua, hơn 3.000 hộ dân ở khu vực miền Nam chưa có điện đã được dùng điện lưới quốc gia. Đây là niền vui lớn của người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã mong ước từ rất nhiều mùa xuân qua.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, năm 2019 kết thúc, ngành điện lực miền Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế và xã hội tại 21 tỉnh thành miền Nam. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, EVNSPC đã đạt được nhiều chỉ tiêu tích cực, trong đó phải kể đến hoạt động nối điện lưới quốc gia đến các khu vực chưa có điện, xóa câu phụ ở các vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Cụ thể, năm 2019, EVNSPC thực hiện sản lượng điện thương phẩm là 72,636 tỷ kWh, tăng 8,95% so với năm 2018 và bán điện trực tiếp cho gần 8,3 triệu khách hàng. Nhờ áp dụng nhiều chương trình tiết kiệm hiệu quả, toàn khu vực miền Nam trong năm 2019 đã tiết kiệm được 1,458 tỷ kWh, tương đương 2% sản lượng điện thương phẩm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện hơn 2.597 tỷ đồng.
Năm 2019, EVNSPC đã giải quyết và đưa vào vận hành hơn 7.138 công trình điện trung áp với thời gian giải quyết trung bình 3,5 ngày/1công trình và giải quyết cấp điện cho 336.232 khách hàng mua điện hạ thế. Tổng công ty thực hiện đầu tư với tổng giá trị khoảng 7.036/9.735 tỷ đồng, đạt 72,3%; giải ngân được 6.757 tỷ đồng, đạt 69,4% so với kế hoạch giao. Tuy nhiên, theo ông Lý, nổi bật nhất là hiện tại EVNSPC quản lý 2.513 xã phường thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%; số dân có điện là 7,96 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,69%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 5,20 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,55%.
Công tác đầu tư cấp điện nông thôn, hải đảo, miền núi tiếp tục được chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Ngoài vốn của Nhà nước, EVNSPC đã chủ động các nguồn vốn gần 170 tỷ đồng đầu tư cấp điện cho hơn 3.200 hộ dân khu vực vùng lõm chưa có điện khu vực các tỉnh: Bạc Liêu, Đồng tháp, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Đặc biệt, đã hoàn thành việc cấp điện cho 113 xã theo tiêu chí số 4 về nông thôn mới; cấp điện cho 120 hộ dân trên Cồn Bần Chát và 113 hộ dân trên Cồn Phụng tỉnh Trà Vinh; xóa câu đuôi kéo chuyền cho hơn 52.525 hộ dân trên địa bàn 21 tỉnh thành; hoàn thành dự án cấp điện cho xã đảo Tiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cấp điện cho hơn 1.100 hộ dân trên đảo.
Ông Trần Văn Tân, cư dân xã đảo Tiên Hải nói rằng, khi có điện lưới quốc gia, người dân sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, mở rộng các ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy hải sản và khai thác tiềm năng du lịch. "Có điện lưới quốc gia, người dân ở đảo xa gần hơn với đất liền và cuộc sống chắc chắn sẽ được thay đổi nhanh trong nay mai", ông Tân chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên - ông Phạm Văn Xuân - nhìn nhận, xã Tiên Hải được hòa điện lưới quốc gia là niềm mong mỏi của người dân địa phương nhiều thập kỷ qua. Công trình hoàn thành giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định, tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng các ngành nghề như sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và thu hút nhiều nhà đầu tư trong tương lai, thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng du lịch biển đảo tại đây.
Ông Đào Hữu Điền - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp - cho biết, Đồng Tháp hiện vẫn còn khoảng 13.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa còn phải dùng điện câu từ đồng hồ tổng. Năm 2019, ngành điện đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng các công trình đưa điện về các vùng sâu, vùng xa. EVNSPC còn bổ sung 25 tỷ đồng cho ngành điện lực Đồng Tháp thực hiện 10 công trình xóa hộ câu phụ từ công tơ chính có suất đầu tư thấp, nhờ đó trong dịp Tết vừa qua hàng trăm hộ dân đã chính thức sử dụng điện lưới quốc gia “chính chủ” không còn phải đi câu móc để có điện xài như trước.
Để phục vụ người dân sinh sống ở các vùng xa chưa có điện hoặc câu phụ, trong năm qua, Công ty Điện lực Long An đã đầu tư khoảng 212 tỷ đồng và hoàn thành 18/18 công trình sửa chữa lớn lưới điện; đóng điện vận hành 40/40 công trình đầu tư xây dựng. Đơn cử như xây dựng mới các lộ ra 22kV trạm 110kV Đức Hòa 3, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa; dự án cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế khu vực nông thôn tỉnh Long An gồm hơn 136km đường dây trung thế; hơn 273km đường dây hạ thế; 211 trạm biến áp/9.797,5kVA và hàng nghìn người dân ở vùng xa, vùng sâu đã được thụ hưởng từ các dự án này.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-3000-ho-dan-mien-nam-co-dien-luoi-quoc-gia-131974.html