Hơn 3.200 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do áp thấp nhiệt đới
Hồi 7 giờ ngày 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão hướng vào vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận.
Thông báo về áp thấp nhiệt đới cho hơn 49.000 tàu thuyền
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Bộ Tham mưu BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với địa phương, cơ quan chức năng, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh, hoặc về bờ đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn BĐBP cho biết, BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì trực 3.214 cán bộ, chiến sĩ với 272 phương tiện (36 tàu, 117 xuồng, ca nô, 105 ô tô) sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.191 phương tiện/261.324 người biết diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về bờ neo đậu.
Trong đó, hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa có 486 tàu/5.896 người. Số tàu này đều đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển vòng tránh. 7.587 tàu/40.855 người hoạt động ở vùng biển khác cũng đã được thông tin về áp thấp nhiệt đới. Hiện, tại các bến, cảng cá có 41.118 tàu/214.573 người đang neo đậu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, đến 7 giờ ngày 26-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-5,0m, biển động rất mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Ngoài ra, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Mưa lũ làm 1 người chết, 3 người mất tích
Trong khi đó, mưa lũ tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi khiến nhiều khu vực bị ngập, gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại và đời sống của người dân.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, độ sâu ngập đã giảm nhưng diện tích ngập chưa thay đổi. Trong đó, Quảng Ngãi có 22 xã; Quảng Nam 12 xã ngập 0,3-1,2m, cục bộ có nơi 1,5-2m.
Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ làm 5.373 nhà thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ và Hội An tỉnh Quảng Nam bị ngập, mức ngập từ 0,3-1,0m). Tại Quảng Ngãi có 11.038 nhà bị ngập thuộc huyện Bình Sơn (có mức ngập từ 05-0,7m).
Các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn (Quảng Nam: 779 hộ/2.535 khẩu; Quảng Ngãi: 1.370 hộ/4.541 khẩu). Chủ yếu là di dời xen ghép.
Mưa lũ trong những ngày qua khiến 1 người chết do bị lũ cuốn trôi (ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1980, tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể).
Ngoài ra, còn có 3 người mất tích khi chèo thúng bơi ra tàu cá QN90755 đang neo ven sông Trà Bồng, thuộc cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn thì thúng bị chìm. Lực lượng chức năng địa phương đang tổ chức tìm kiếm.
Về nông nghiệp, theo thống kê của các địa phương có 162ha lúa, ngô của tỉnh Quảng Ngãi, hơn 442ha rau màu của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bị thiệt hại. 11 tấn lương thực của tỉnh Quảng Ngãi bị ướt.
Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Ngãi có 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết; 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho các công trình giao thông và thủy lợi. Tại Quảng Ngãi, hơn 2,5km mương bị sạt lở, 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông.
Đường Quốc lộ có 34 vị trí bị sạt lở tại Quảng Ngãi với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng.
Hệ thống đường tỉnh, huyện, xã có 95 vị trí bị sạt lở (Đà Nẵng 2; Quảng Nam 31; Quảng Ngãi 62) với tổng khối lượng sạt lở 6.123m3; 21 cầu giao thông của tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng.
Hiện, lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương đang khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đặc biệt là hướng dẫn các tàu đang hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và Bắc Quần đảo Trường Sa tìm nơi tránh trú.
Được biết, tính đến 6 giờ sáng ngày 25-10, tỉnh Quảng Nam có 22 tàu/951 lao động, tỉnh Quảng Ngãi có 168 tàu/2.994 lao động, tỉnh Bình Định có 69 tàu/504 lao động, Phú Yên có 146/813 lao động, Khánh Hòa có 81/634 lao động đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa.