Hơn 3 tỷ người trên toàn cầu bị phong tỏa vì COVID-19
Hơn 3 tỷ người trên thế giới đang sống trong các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Liên hợp quốc (LHQ) ngày 25/3 cảnh báo virus này đang đe dọa đến toàn thể nhân loại.
Hãng thông tấn AFP đưa tin số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu tính đến ngày 26/3 đã vượt 21.000 người. Trong khi đó, cùng với Italy (7.503 ca), Tây Ban Nha (3.647 ca) là quốc gia mới nhất ghi nhận số người tử vong nhiều hơn tại Trung Quốc – nơi virus khởi phát hồi tháng 12/2019.
Báo động toàn cầu
“COVID-19 đang đe dọa đến toàn nhân loại và toàn nhân loại nên phản kháng. Hành động toàn cầu và sự đoàn kết rất quan trọng. Một quốc gia riêng lẻ phản ứng là không đủ”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói, đồng thời đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ 2 tỷ USD để giúp đỡ người nghèo trên thế giới.
Các thị trường có dấu hiệu hồi phục sau khi Washington tuyên bố sẽ chi 2.000 tỷ USD để ngăn nền kinh tế Mỹ sụp đổ do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi các chính phủ khác đang tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn bao giờ hết để ngăn chặn COVID-19.
Lệnh phong tỏa toàn quốc của Ấn Độ bắt buộc 1,3 tỷ dân số quốc gia Nam Á này phải ở yên trong nhà hiện là bước đi lớn nhất, nâng tổng số người phải sống trong điều kiện hạn chế đi lại lên hơn 3 tỷ người.
Sau khi thông báo về hai bệnh nhân tử vong hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố toàn bộ dân chúng nước này sẽ được nghỉ hưởng lương tại nhà vào tuần sau, đồng thời thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu về cải cách hiến pháp, kêu gọi người dân trợ giúp lẫn nhau cũng như tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Tại Anh, người kế vị ngai vàng, Thái tử Charles đã trở thành nhân vật cấp cao mới nhất bị nhiễm virus, trong khi Thủ tướng Boris Johnson lại khen ngợi những biện pháp xử lý dịch bệnh của nước này.
Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trực tuyến vào ngày 26/3 để thảo luận về một biện pháp đối phó toàn cầu với cuộc khủng hoảng này cùng với 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu – khu vực trở thành tâm dịch COVID-19 mới.
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại tại tỉnh Hồ Bắc do quốc gia này không ghi nhận ca nhiễm mới trong nướcc. Tàu điện và xe buýt nhanh chóng trở nên đông đúc ngay khi 50 triệu dân cư Hồ Bắc lần đầu tiên có cơ hội được tự do đi lại sau hơn 3 tháng sống trong phong tỏa nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, không may tại Tây Ban Nha, số ca tử vong đã vượt 3.647 người, tăng gần 1.000 ca trong vòng 24 giờ qua. Chính phủ nước này vừa tuyên bố chi 450 triệu USD mua trang thiết bị y tế của Bắc Kinh để chống dịch.
Tại Bệnh viện Đại học La Paz ở Madrid, nam y tá khoa cấp cứu Guillen del Barrio dường như bị ám ảnh với những chuyện xảy ra đêm qua. “Thật khó khăn, nhiều người sốt cao phải ngồi tại phòng chờ suốt nhiều giờ. Không ít đồng nghiệp của tôi bật khóc vì có bệnh nhân đã qua đời trong đơn độc, không kịp gặp thân nhân lần cuối”, nam nhân viên y tế 30 tuổi chia sẻ.
Virus SARS-CoV-2 cũng lan nhanh tại Trung Đông. Tổng số người thiệt mạng do COVID-19 của Iran đã vượt quá 2.000 ca. Và tại châu Phi, Mali đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên và một số quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó đại dịch.
Còn tại Nhật Bản, nơi Olympic Tokyo vừa bị hoãn sang năm sau, Thị trưởng thành phố Tokyo kêu gọi người dân ở yên trong nhà vào dịp cuối tuần này với lời cảnh báo nguy cơ “bùng nổ” lây nhiễm. Tác động của COVID-19 cũng đang tấn công mạnh mẽ vào nền bóng đá châu Âu với việc các giải đấu lớn đều bị hủy bỏ.
Mức đầu tư thời chiến
Sự thiệt hại do virus SARS-CoV-2 và lệnh phong tỏa gây ra cho nền kinh tế thế giới có thể lên đến mức thảm khốc. Nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái toàn cầu còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 luôn hiện hữu.
Tuy vậy, các thị trường tài chính đã vực dậy sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói kích cầu trị giá gần 10% (2.000 tỷ USD) nền kinh tế của nước này. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell đánh giá đây là động thái “mức đầu tư thời chiến”. Ông McConnell nêu rõ 4 ưu tiêncủa gói kích thích trên bao gồm trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ các nhân viên y tế ở tuyến đầu và các bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong khi đó, gần 130 triệu người Mỹ hay 40% dân số quốc gia này đang hoặc sẽ sớm phải sống trong lệnh phong tỏa, trong đó có cả bang lớn nhất Mỹ là California.
Tuần qua, người dân Ấn Độ cũng lao vào cơn hoảng loạn sau khi chính phủ yêu cầu nền dân số lớn thứ hai thế giới phải ở nhà trong ba tuần tính từ ngày 25/3. “Để cứu Ấn Độ, cứu toàn bộ công dân, bạn và gia đình bạn, mọi con phố, mọi khu vực sẽ bị phong tỏa”, Thủ tướng Narendra Modi nói.
Liệu lệnh cấm đi lại trên có được tuân thủ toàn diện hay không vẫn còn là điều chưa rõ. Người bán rau xanh Rafiq Ansari ở Mumbai cho biết khách của ông đang trở nên bực tức vì thiếu lương thực và giá leo thang. “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi sẽ bị thiếu hụt lương thực trong vài ngày tới”, ông nói.
Để ngăn chặn virus tiếp tục lan rộng, Iran tuyên bố sẽ cấm hoạt động đi lại liên tỉnh. Nhiều chính phủ khác cũng đang tham vấn chuyên gia y tế khi họ cảnh báo biện pháp duy nhất để giảm tốc độ lây nhiễm và cứu mạng người dân chính là triển khai biện pháp “cô lập xã hội”.