Hơn 300.000 liều vaccine sởi – rubella đang trên đường về đến TPHCM

Đây là vaccine đang được Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sử dụng, do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất. Vaccine đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TPHCM

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ

Tối 28-8, Sở Y tế TPHCM, cho biết đơn vị đã tích cực chuẩn bị nguồn vaccine để triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi bất kể tiền sử tiêm chủng cho trẻ từ 1 -5 tuổi, các trẻ nhóm nguy cơ đang sống tại thành phố trong thời gian sớm nhất. Chiến dịch được triển khai tại tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, cơ sở giáo dục và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh có tổ chức tiêm chủng trên địa bàn thành phố.

Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine sởi – rubella (MR). Đây là vaccine đang được Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sử dụng, do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất. Vaccine đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TPHCM và dự kiến đến ngày 30-8, vaccine sẽ về kho của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và được phân bổ ngay cho các quận, huyện.

Dự kiến ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi từ ngày 31-8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2-9 năm 2024.

 Hệ thống dây chuyền lạnh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố sẵn sàng tiếp nhận vaccine sởi

Hệ thống dây chuyền lạnh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố sẵn sàng tiếp nhận vaccine sởi

Trước đó, ngày 27-8, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 3547/QĐ-UBND về việc công bố dịch sởi và Kế hoạch 4959/KH-UBND về việc chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi. Chiến dịch này nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, giảm số ca mắc, ngăn ngừa tử vong do bệnh sởi, đặc biệt góp phần bảo vệ các trẻ nhóm nguy cơ cao sẽ có biến chứng nặng khi mắc sởi (trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính như tim mạch, thận, huyết học, trẻ suy giảm miễn dịch…).

Theo kế hoạch, những người được ưu tiên tiêm trong đợt này là trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống tại thành phố, không kể tiền sử tiêm chủng, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện không kể tiền sử tiêm chủng.

Nhóm trẻ từ 6- 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vaccine, các nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine có thành phần sởi cũng sẽ được tiêm trong chiến dịch này. Chương trình sẽ không tiêm vaccine MR cho những trẻ đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai chiến dịch (cần có bằng chứng thể hiện trên phiếu/sổ tiêm chủng/phần mềm quản lý tiêm chủng).

Chiến dịch được triển khai tại tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, cơ sở giáo dục và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức tiêm chủng trên địa bàn thành phố. Vaccine được sử dụng trong chiến dịch này là vaccine sởi – rubella (MR), được mua từ nguồn ngân sách thành phố.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hon-300000-lieu-vaccine-soi-rubella-dang-tren-duong-ve-den-tphcm-post756158.html