Hơn 300 hộ kinh doanh dao kéo làng nghề Đa Sỹ chung tay phòng ngừa 'tội phạm đường phố'
Ban chỉ đạo 138 phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai chuyên đề 'Vận động toàn dân không sản xuất, mua bán, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ' trên địa bàn phường Kiến Hưng.
Thấy rõ nguy cơ
Làng nghề rèn truyền thống Đa Sỹ tại địa bàn phường Kiến Hưng nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, toàn phường có khoảng 355 hộ dân kinh doanh, sản xuất dao kéo các loại. Những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn diễn biến phức tạp, Công an phường đã luôn chủ động trong công tác nắm tình hình, tiến hành rà soát, lập danh sách đồng thời thường xuyên tuyên truyền các hộ dân trên nắm rõ và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, mua bán các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và địa bàn quận Hà Đông nói riêng xảy ra nhiều vụ việc đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trong đó các đối tượng sử dụng số lượng lớn các loại vũ khí thô sơ tự chế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong quý I-2023, trên địa bàn quận Hà Đông đã xảy ra 3 vụ việc. Quá trình đấu tranh với các đối tượng, cơ quan Công an làm rõ số vũ khí tự chế trong các vụ việc trên được đối tượng mua tại làng nghề Đa Sỹ!
Nhận thức rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất, buôn bán các loại vũ khí thô sơ, Công an quận Hà Đông đã chỉ đạo Công an phường Kiến Hưng phối hợp với các đội nghiệp vụ tham mưu Ban chỉ đạo 138 phường triển khai thực hiện Chuyên đề "Vận động toàn dân không sản xuất, mua bán, tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ" trên địa bàn.
Tại hội nghị, ông Đặng Trần Đức - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng nhấn mạnh việc triển khai chuyên đề là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình ANTT tại địa bàn, đặc biệt có tác dụng phòng ngừa tội phạm, vi phạm từ đối tượng xấu.
Chủ tịch phường Kiến Hưng đề nghị các hộ kinh doanh, người dân làng nghề Đa Sỹ quán triệt và thực hiện tốt các nội dung trong chuyên đề, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt và xây dựng nếp sống văn minh, đồng thời góp phần để làng nghề rèn truyền thống Đa Sỹ ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho người dân. Yếu tố quan trọng ở đây là các cấp ủy chi bộ, tổ dân phố, Hội Làng nghề cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành pháp luật, chung tay góp sức xây dựng làng nghề Đa Sỹ giàu mạnh.
Cũng tại hội nghị này, đại diện các hộ sản xuất, kinh doanh đã ký cam kết về việc chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sản xuất, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ; có trách nhiệm phát hiện, tố giác với cơ quan Công an những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Rà kỹ, phòng ngừa triệt để điều kiện hoạt động của tội phạm đường phố
Chia sẻ với PV ANTĐ trước hiện tượng, diễn biến phức tạp liên quan đến tội phạm đường phố, nhất là liên quan đến trẻ vị thành niên trong thời gian qua, chỉ huy Công an quận Hà Đông cho rằng: từng địa bàn, ngay từ cấp khu dân cư, phường, xã, cần luôn trăn trở, suy nghĩ và phải chủ động công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản để xác định rõ đối tượng và những điều kiện có thể khiến tội phạm đường phố lợi dụng hoạt động, từ đó quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Làng nghề Đa Sỹ, bên cạnh yếu tố truyền thống văn hóa, bên cạnh việc mưu sinh, là tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ, và hình thành từ lâu, nhưng đã không được quan tâm để có biện pháp tuyên truyền định hướng, quản lý chặt chẽ. Vì sao những đứa trẻ mặt búng ra sữa đến đặt chế tạo hung khí dài hàng mét, tính sát thương cao, nhưng vẫn được nhiều cơ sở lò rèn đáp ứng? Đó không chỉ đơn giản là câu chuyện cung – cầu, mà là sự thiếu trách nhiệm của người lớn, của thợ rèn…
Trước hội nghị chuyên đề ở Kiến Hưng, chỉ huy Công an quận Hà Đông cho biết, đơn vị vừa tham mưu BCĐ 138 quận tổ chức Tọa đàm “bàn cách cứu con trẻ tránh khỏi việc vi phạm pháp luật”. Tọa đàm (có sự tham gia của ngành Giáo dục, các nhà trường, các em học sinh, phụ huynh, và cả những trường hợp gây rối, cố ý gây thương tích…bị xử lý trong thời gian qua), thành công tốt đẹp, giúp người lớn “vỡ” ra nhiều điều. Và cũng là tiền đề để Công an quận Hà Đông phối hợp với cơ quan chức năng sớm mở thêm nhiều “sân chơi” nhằm cảnh báo nguy cơ từ môi trường mạng và môi trường thực tế, từ đó trang bị kiến thức pháp luật cho con trẻ - đối tượng vốn rất dễ bị tổn thương, lôi kéo và sa ngã./