Hơn 4,2 triệu lượt KCB thành công bằng CCCD gắn chip, phấn đấu cuối năm đạt 20%
Tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có hơn 4,2 triệu lượt KCB thành công bằng CCCD gắn chip, Bộ Y tế đôn đốc triển khai, phấn đấu đến cuối năm đạt 20% lượt KCB.
91,5% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai bằng căn cước công dân
Tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc đã có 11.945 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, đạt 91,5% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước. Và số người sử dụng, tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp đã đạt hơn 4,248 triệu người.
Đây là kết quả tích cực trong việc triển khai thí điểm tính năng này từ tháng 3/2022 đến nay.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2022, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực gần 68 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Nếu tính theo số người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì số được xác thực đúng là hơn 59.078.677 người (chiếm 69% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (85.161.882).
Toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nỗ lực, cố gắng đến hết năm 2022 sẽ bổ sung cập nhật, xác thực số định danh cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho tối thiểu 90% người tham gia (theo Kế hoạch số 2207/KH-BHXH ngày 12/8/2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc triển khai cập nhật bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID).
Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 62.044.274 lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Toàn quốc đã có 11.945 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 91,5% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với 6.745.162 lượt tra cứu, trong đó có 4.248.553 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể năm 2022 là “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an, trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế”.
Phấn đấu hết năm 2022, 20% lượt khám chữa bệnh bằng căn cước gắn chip
Ngày 29/11/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6914/BYT-BH năm 2022 về đôn đốc thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định, trong gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip còn rất thấp và tỉ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị:
Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát tình hình triển khai thí điểm thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Y tế.
Khi có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Thủ trưởng đơn vị trực tiếp trao đổi với cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và phối hợp với PC06 Công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỉ lệ 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp với 20% người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có thực hiện tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng hiện có để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mang lại, từ đó dần dần thay đổi thói quen sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền (bằng văn bản) về các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế nêu rõ, Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thuộc quyền quản lý; thủ trưởng y tế thuộc bộ, ngành trực tiếp báo cáo khó khăn, vướng mắc của các đơn vị mình, gửi về Bộ Y tế (qua Vụ Bảo hiểm y tế) để được xem xét, giải quyết.
Bộ Y tế nhấn mạnh, triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, minh bạch thông tin, chống các hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn.