Hơn 46% cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công mạng trong năm 2024

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024 với số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ…

Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hóa dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất, theo Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024.

Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hóa dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất, theo Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024.

Đây là nội dung nổi bật trong Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024, khu vực cơ quan, doanh nghiệp do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện trong tháng 12/2024, dựa trên khảo sát 4.935 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam.

HƠN 650.000 VỤ TẤN CÔNG MẠNG VÀO CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP

Năm 2024 cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trên không gian mạng, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các vụ tấn công. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn như VNDirect, PVOIL, Vietnam Post và các cơ sở y tế, giáo dục… cho thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.

Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 46,15% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã từng bị tấn công mạng ít nhất 1 lần trong năm qua, trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công. Tổng số vụ tấn công mạng trong năm ước tính lên tới hơn 659.000 vụ. Theo báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, chỉ tính riêng các đơn vị trọng yếu đã có tới hơn 74.000 cảnh báo tấn công mạng, trong đó có 83 chiến dịch tấn công có chủ đích APT.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết:

Tình trạng tấn công mạng hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến. Cần đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý và chia sẻ thông tin kịp thời. Đây là những yếu tố quyết định để bảo vệ không gian mạng quốc gia và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong kỷ nguyên số”.

CÓ TỚI 1/4 CÁC VỤ TẤN CÔNG CÓ CHỦ ĐÍCH

Tấn công có chủ đích APT là hình thức tấn công phổ biến nhất năm 2024. Theo thống kê của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 26,14% các vụ tấn công trong năm là tấn công APT sử dụng mã độc gián điệp nằm vùng. Có 04 loại lỗ hổng thường bị tin tặc khai thác để tấn công có chủ đích gồm: Lỗ hổng trong các phần mềm đang sử dụng; Lỗ hổng trong quy trình quản lý, cấu hình, phân quyền; Lỗ hổng từ các chuỗi cung ứng (Supply Chain) không đảm bảo an toàn, an ninh; Lỗ hổng do con người trong hệ thống.

Ngoài nguy cơ bị đánh cắp thông tin, dữ liệu, các cơ quan, doanh nghiệp còn phải đối mặt với mối đe dọa bị mã hóa dữ liệu tống tiền. Theo khảo sát, có tới 14,59% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã bị tấn công bằng mã độc ransomware trong năm qua. Đây là tỷ lệ đáng báo động bởi hình thức tấn công này rất nguy hiểm, mang tính “sát thương” cao. Khi đã bị mã hóa dữ liệu, không có cách nào để giải mã, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp bị gián đoạn, đặc biệt uy tín bị ảnh hưởng.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo, để đảm bảo an ninh mạng, các tổ chức cần thực hiện rà soát lỗ hổng hệ thống thường xuyên, bao gồm việc quét và đánh giá toàn diện các ứng dụng, phần mềm và thiết bị mạng, đồng thời cập nhật các bản vá bảo mật kịp thời. Thực hiện giám sát an ninh mạng 24/7 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Xây dựng và duy trì kế hoạch ứng phó sự cố rõ ràng, đảm bảo có phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu định kỳ, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố.

THIẾU HỤT NGHIÊM TRỌNG NHÂN LỰC AN NINH MẠNG

Mặc dù tấn công mạng đang rất nghiêm trọng nhưng nguồn nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam lại đang thiếu hụt trầm trọng. Theo khảo sát của Hiệp hội, có tới hơn 20,06% đơn vị cho biết hiện chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng, 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách, con số này là rất nhỏ so với yêu cầu thực tế hiện nay.

Để đảm bảo an ninh mạng, theo mô hình giám sát tập trung SOC 24/7 với 3 ca 4 kíp, mỗi tổ chức cần tối thiểu từ 8 đến 10 vị trí chuyên trách. Việc thiếu vắng nhân sự sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý các nguy cơ, đồng thời làm giảm hiệu quả phản ứng và đối phó khi xảy ra sự cố. Tình trạng này khiến các tổ chức dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng, dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tài chính và uy tín.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên trách xuất phát từ cả chủ quan và khách quan. Các trường đào tạo an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay cung cấp không đủ số lượng cho nhu cầu của thị trường. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đồng đều, đa số không có kinh nghiệm thực tế nên rất khó để tham gia vận hành các hệ thống quan trọng. Nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đánh giá đúng mức độ quan trọng của an ninh mạng, dẫn đến việc đầu tư vào nhân sự chuyên trách bị xem nhẹ.

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, để giải quyết khó khăn thiếu hụt nhân sự, các cơ quan, doanh nghiệp nên nghiên cứu thuê ngoài dịch vụ chuyên nghiệp giám sát, vận hành an ninh mạng SOC để sử dụng chung nguồn lực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các bộ tiêu chuẩn, chứng nhận và hệ thống đánh giá chính quy về nhân lực an ninh mạng. Những bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp sớm chuẩn hóa, thúc đẩy sự chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp an ninh mạng, tạo động lực cho nhân sự không ngừng nâng cao trình độ và năng lực.

GẦN 20% ĐƠN VỊ CHƯA ĐẢM BẢO TUÂN THỦ QUY ĐỊNH BẢO VỆ DỮ LIỆU

Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn rất phổ biến, mặc dù đã có Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sắp tới là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng công tác thực hiện các quy định này còn nhiều lúng túng tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Khảo sát của Hiệp hội cho thấy, chỉ 56,53% đơn vị đã bố trí riêng cán bộ chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi có tới 43,47% đơn vị không có chuyên trách hoặc chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Đáng chú ý, vẫn còn 19,45% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đang lúng túng, khó khăn trong việc đáp ứng tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu.

Trong các vấn đề được nêu ra, vướng mắc lớn nhất là về thủ tục, quy trình, pháp lý (58,82%). Vướng mắc thứ 2 là thiếu các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu (17,65%). Bên cạnh đó còn khó khăn về cơ chế, tài chính khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết để đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức trong thời đại số. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng thông tin, như đánh cắp danh tính, lừa đảo hoặc tấn công mạng, gây thiệt hại tài chính và uy tín.

Đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật, giúp doanh nghiệp tránh các hậu quả pháp lý và xử phạt nghiêm trọng. Điều này không chỉ tăng cường lòng tin của khách hàng mà còn bảo vệ hình ảnh của tổ chức. Trong trường hợp cần hỗ trợ, các cơ quan, doanh nghiệp có thể liên hệ với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia để được giải đáp các thắc mắc.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG NHẬN THỨC AN NINH MẠNG

Bên cạnh những điểm yếu còn tồn tại, đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực trong cải thiện nhận thức an ninh mạng. Cơ quan, doanh nghiệp đã quan tâm đến đầu tư cho sản phẩm, giải pháp công nghệ, tích cực đào tạo nhận thức và triển khai, chuẩn hóa quy trình đảm bảo an ninh mạng.

Đã có 85,11% cơ quan, doanh nghiệp trang bị phần mềm diệt virus bảo vệ cho các máy tính, máy chủ. 75,68% đơn vị đã đầu tư giải pháp tường lửa và 64,13% đã có giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu. Đây đều là những giải pháp mang tính cơ bản, cần thiết theo các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Các đơn vị cũng đã ý thức hơn trong tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên. Có 75,68% cơ quan, doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo nhận thức an ninh mạng cho nội bộ ít nhất 1 lần trong năm. Mặc dù vậy vẫn có tới 24,32% đơn vị chưa có bất kỳ chương trình đào tạo nào trong năm.

Một số giải pháp, dịch vụ công nghệ mới, tiên tiến cũng đã bắt đầu phổ biến. Điển hình là giải pháp giám sát an ninh mạng tập trung SOC đã có 47,11% cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu đầu tư. Dịch vụ thông tin tình báo an ninh mạng (Threat Intelligence) có 35,26% cơ quan, doanh nghiệp sử dụng. Khoảng 38,30% doanh nghiệp đã tìm đến các giải pháp phát hiện và ứng phó điểm cuối EDR.

Bên cạnh đầu tư về giải pháp công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức đã chú ý đến triển khai các tiêu chuẩn an ninh mạng. Có 53,80% đơn vị đã triển khai các tiêu chuẩn ISO, 31,61% triển khai tiêu chuẩn PCI DSS, 19,45% hướng theo tiêu chuẩn NIST và 34,65% triển khai các tiêu chuẩn TCVN. Cùng với đó có 64,13% doanh nghiệp, tổ chức đã chủ động đánh giá, ban hành cấp độ an toàn thông tin theo hướng dẫn.

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hon-46-co-quan-doanh-nghiep-viet-nam-bi-tan-cong-mang-trong-nam-2024.htm