Hơn 49% doanh nghiệp VNR500 tự tin năm kinh doanh sẽ còn tốt hơn nữa
Ngoài nhóm doanh nghiệp hoạt động tốt hơn hay tự đánh giá cơ bản ổn định, 11,3% doanh nghiệp trong nhóm VNR500 tự đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.
49,2% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động tốt hơn năm trước
Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019 vừa được công bố hôm nay.
Đơn vị xây dựng Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 đã thực hiện khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019, 49,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn năm trước; 39,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh cơ bản ổn định và 11,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.
“Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ vững, duy trì mức sản xuất như các năm trước và đạt lợi nhuận tốt”, báo cáo cho hay.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, rào cản mà nhiều doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chính công ty nhất (58,1%) là chiến tranh thương mại giữa các quốc gia/ nền kinh tế lớn. Thủ tục hành chính phức tạp năng lực cạnh tranh, chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu và thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cũng là rào cản lớn. Bên cạnh đó, 45,2% doanh nghiệp đánh giá sự bảo hộ thương mại nội địa cũng là rào cản lớn.
Hơn nửa doanh nghiệp VNR500 muốn tăng ứng dụng công nghệ
Theo kết quả khảo sát về Top 4 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp trong năm 2019: 96,8% doanh nghiệp lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên; 58,1% doanh nghiệp thực hiện tăng cường ưu thế cạnh tranh; 54,8% doanh nghiệp lựa chọn giảm thiểu chi phí; 51,5% tăng cường ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số.
Hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên là chiến lược ưu tiên trong năm 2019. Đánh giá về kỹ năng của nhân viên ở các doanh nghiệp trong thời đại số với các kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ tự động hóa, khả năng phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin và các kỹ năng khác, theo đó khoảng 60% nhân viên mới ở mức đáp ứng được yêu cầu, chỉ có khoảng 20% nhân viên ở mức tốt, còn lại ở mức yếu.
Ngoài yếu tố nội tại, kết quả khảo sát ghi nhận có 87,1% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và cải thiện môi trường pháp lý. Đây cũng là rào cản mà nhiều doanh nghiệp đánh giá có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường cạnh tranh gay gắt, việc tìm đầu ra cho sản phẩm càng có ý nghĩa quan trọng, giúp cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, có tới 80,6% doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra thông qua các hình thức như hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thị trường.