Hơn 49 tỷ đồng sửa chữa hư hỏng QL54 qua Vĩnh Long
Bộ GTVT đã chấp thuận 7 danh mục sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước trên QL54 qua tỉnh Vĩnh Long với kinh phí hơn 49 tỷ đồng.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Vĩnh Long về việc khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường QL54 đoạn Km32+000 - Km82+663 qua địa bàn tỉnh này.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký cho biết, hàng năm, Bộ GTVT được Bộ Tài chính phân bổ khoảng 10.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ toàn quốc, trong khi nhu cầu sửa chữa các công trình trên toàn hệ thống quốc lộ cần khoảng 29.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN rà soát, sắp xếp ưu tiên phân kỳ đầu tư, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt để triển khai sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã chấp thuận danh mục công trình chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì năm 2023.
"QL54 được Bộ GTVT chấp thuận 7 danh mục sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và các công trình khác với kinh phí hơn 49 tỷ đồng. Đoạn trong tỉnh Vĩnh Long từ Km31+458 đến Km82+662 bố trí khoảng 30 tỷ đồng nhằm đảm bảo ATGT", Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021 thì nguồn vốn này rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí cho nâng cấp mở rộng QL54.
"Đối với tỉnh Vĩnh Long, Chính phủ đã ưu tiên bố trí gần 7.200 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long; dự án cải tạo, nâng cấp Q53 đoạn Long Hồ - Ba Si trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ", Bộ GTVT cho biết.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 được Bộ GTVT giao gần 10.500 tỷ đồng, đến hết tháng 6 đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, đạt gần 42%.
"Tốc độ giải ngân 6 tháng đầu năm chưa đạt 50% là do thời gian này phải tổ chức đấu thầu. Dự kiến đến 15/10/2022 sẽ giải ngân đạt 85% dự toán giao và đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch", Tổng cục Đường bộ khẳng định.
Lý giải về các khó khăn trong quá trình thực hiện, đơn vị này cho hay, từ đầu năm đến nay mưa nhiều, lũ đến sớm hơn các năm trước. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như nhựa đường, xi măng, sắt thép, cát đá, giá xăng, dầu tăng cao. Trong khi cơ bản các hợp đồng dự án sửa chữa bảo trì là hợp đồng trọn gói nên gây khó khăn cho việc triển khai dự án.
Để khắc phục các khó khăn trên, Tổng cục Đường bộ đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn, giải pháp xử lý bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên việc khó khăn về giá cũng tác động đến một số dự án phải cắt giảm công việc chưa cấp thiết.
Tổng cục Đường bộ cũng đã đôn đốc các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý chất lượng và tiến độ đối với các dự án sửa chữa định kỳ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo tiến độ giải ngân. Phấn đấu đến cuối năm cơ bản hoàn thành công tác thi công trên hiện trường, đến 31/12 hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn bảo trì.