Hơn 50% các nước EU đang ở mức cảnh báo đỏ về dịch bệnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến lo ngại tại châu Âu khi hơn 50% các nước EU và với Anh phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).
Ngày 15/10, ECDC đã dán nhãn đỏ đối với 17 trong số 31 nước mà cơ quan này theo dõi. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước này có số ca mắc trung bình trong 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân mỗi ngày.
Trên bản đồ cảnh báo dịch bệnh, ECDC phân loại màu đỏ đối với quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 là trên 150 ca/100.000 dân trong 14 ngày. Màu xanh - tỷ lệ nhiễm dưới 25 ca/100.000 dân.
Trong khi đó, màu cam để phân loại nước ở mức cảnh báo giữa đỏ và xanh. Bản đồ cảnh báo theo màu sắc mới này được lập nhằm kiểm soát hoạt động đi lại và du lịch nội khối. Những người tới từ vùng cam và đỏ sẽ phải thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2.
Bản đồ trên không dán nhãn cho 5 nước gồm Áo, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland do ECDC thiếu thông tin về tình hình dịch bệnh tại các nước này. Ngoài 27 nước thành viên EU, ECDC cũng theo dõi dịch bệnh tại các nước Anh, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Trong ngày 15/10, một số nước tại châu Âu thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng cao. Số liệu do Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố cho thấy nước này ghi nhận thêm 13.300 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 921.374 ca. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng thêm 140 ca lên 33.553 ca.
Tuy nhiên, theo biểu đồ của Bộ Y tế, số ca mắc theo ngày tại điểm nóng về dịch bệnh ở Tây Âu này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh hơn 16.000 ca vào ngày 18/9 vừa qua.
Giới chức y tế Thụy Sĩ công bố số ca mắc mới trong ngày 15/10 tăng lên mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, với 2.600 ca mắc mới. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia 8,5 triệu dân này hiện là 71.140 người, trong đó 1.817 người đã tử vong, tương đương với tỷ lệ 832 ca mắc và 21 ca không qua khỏi trên 100.000 dân.
Trong tuần qua, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Thụy Sĩ tăng từ 5,4% lên 10,2%. Tổng thống Simonetta Sommaruga cảnh báo làn sóng mới của dịch COVID-19 đang cho thấy những dấu hiệu diễn tiến xấu rất nhanh, đồng thời hối thúc người dân cần hết sức thận trọng, đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Dự kiến, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ họp xem xét vấn đề áp đặt các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh hay không.
Bộ Y tế Litva công bố 255 ca mắc mới trong ngày 14/10, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Bắc châu Âu lên 6.760 ca, bao gồm cả 110 ca tử vong và 2.983 ca được chữa khỏi bệnh. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Litva kể từ khi nước này xác nhận ca mắc đầu tiên cuối tháng 2 năm nay.
Tại Anh, một số trường đại học lớn cũng đang đối mặt với dịch bệnh hoành hành trong khi duy trì các lớp giảng dạy cả trực tiếp lẫn từ xa.
Cùng ngày 15/10, Đại học Durham ở khu vực phía Bắc vùng England thông báo đã có 958 sinh viên và 6 nhân viên mắc COVID-19 trong 7 ngày tính đến ngày 14/10 vừa qua. Như vậy, trung bình mỗi ngày Đại học Durham có thêm gần 100 – 150 ca mắc.
Tính từ đầu kỳ học mùa Thu, đã có tổng cộng 1.209 sinh viên và 11 nhân viên của trường dương tính với virus SARS-CoV-2. Trường Đại học Durham hiện có khoảng 4.000 nhân viên và hơn 20.500 sinh viên.
Trong khi đó, Đại học Newcastle công bố thêm 749 sinh viên và 11 nhân viên mắc COVID-19 trong 7 ngày qua, nâng tổng số ca mắc tại đây lên gần 2.000 ca tính từ đầu kỳ học mùa Thu.
Một số trường đại học lớn tại Anh ghi nhận dịch bệnh bùng phát mạnh như Đại học Manchester, Đại học Sheffield, đã buộc phải dừng giảng dạy trực tiếp tại các lớp học và chuyển sang hình thức học trực tuyến./.