Hơn 50% dân số Sudan đối mặt với mất an ninh lương thực trầm trọng

2,5 triệu người Sudan có thể chết đói vào cuối tháng 9 nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tiếp diễn.

Tuyên bố chung của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) nêu rõ: “Đối với một nửa dân số Sudan bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, mỗi ngày đều là cuộc đấu tranh để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Sudan chìm trong xung đột kể từ tháng 4-2023, khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) dưới quyền Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo.

Cuộc xung đột ở quốc gia Đông Bắc Phi với 48 triệu dân đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, buộc hàng triệu người phải di dời và gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Sự đối đầu giữa Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) và Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) đẩy Sudan vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Sự đối đầu giữa Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) và Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) đẩy Sudan vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Báo cáo cho biết, 14 tháng sau khi xung đột nổ ra, Sudan đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất theo Phân loại Giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC). Báo cáo của IPC được đưa ra một ngày sau khi các chuyên gia Liên hợp quốc cáo buộc SAF và RSF “sử dụng thực phẩm như vũ khí và khiến dân thường chết đói”.

Cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 25,6 triệu người, trong đó 755.000 người sống trong tình trạng đói kém và 8,5 triệu người phải đối mặt với tình huống khẩn cấp. Con số này tăng nhanh chóng so với các số liệu được công bố hồi tháng 12-2023.

Cuộc xung đột không chỉ gây ra tình trạng di dời hàng loạt và gián đoạn các tuyến đường tiếp tế, mà còn hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo thiết yếu.

Các chuyên gia, bao gồm cả báo cáo viên đặc biệt về lương thực, cũng cho biết, các chính phủ nước ngoài cung cấp hỗ trợ quân sự cho SAF hoặc RSF là “đồng lõa” trong tội ác chiến tranh.

Xung đột tác động đến 25,6 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Sudan. Ảnh: Reuters

Xung đột tác động đến 25,6 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Sudan. Ảnh: Reuters

Tjada D'Oyen McKenna, người đứng đầu tổ chức nhân đạo Mercy Corps, cho biết, theo ước tính của Viện Clingendael, 2,5 triệu người có thể chết đói vào cuối tháng 9 nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tiếp diễn.

Tổ chức nhân đạo Islamic Relief Worldwide cho biết, trẻ em tại Darfur đang “suy kiệt vì suy dinh dưỡng nghiêm trọng”, đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lệnh ngừng bắn để có thể cung cấp viện trợ cần thiết.

Giám đốc WFP tại Sudan Eddie Rowe cho rằng, vẫn có cơ hội ngăn chặn nạn đói toàn diện nếu các cơ quan và tổ chức nhân đạo có thể tiếp cận không hạn chế và được tài trợ đầy đủ.

Tính đến tháng 6, kế hoạch của Liên hợp quốc về ứng phó nhân đạo trị giá 2,7 tỷ USD dành cho Sudan mới nhận được 17,3% tổng kinh phí. “Trong số nhiều thảm kịch ở Sudan, khoảng trống tài trợ là một sự thật đáng xấu hổ trong lịch sử”, Giám đốc phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths bình luận.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hon-50-dan-so-sudan-doi-mat-voi-mat-an-ninh-luong-thuc-tram-trong-670548.html