Hơn 50% doanh nghiệp FDI định hướng phát triển 'kinh tế xanh'

Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2022, công bố ngày 10.3 cho biết, 53,5% doanh nghiệp FDI có định hướng phát triển 'kinh tế xanh'.

Báo cáo thường niên về FDI tại Việt Nam năm 2022 do GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) làm chủ biên, được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín.

Báo cáo cho biết trong năm 2022, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được trên 27,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bằng 89% so với năm 2021; còn vốn giải ngân đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đáng chú ý, năm 2022 có 1.107 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với 10,11 tỷ USD vốn tăng thêm, tăng 12,4% về số dự án và tăng 12,2% về vốn đăng ký so với năm 2022. “Điều này đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam”, Báo cáo nhận định.

Cũng theo Báo cáo, 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với các quốc gia khác mà doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư. Ví dụ các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: Vũ Quang

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: Vũ Quang

Với chủ đề chính là tăng trưởng xanh và kinh tế số, Báo cáo cho biết hơn 75% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã triển khai tự động hóa một phần hoặc toàn bộ công việc; 53,5% doanh nghiệp FDI có định hướng phát triển “kinh tế xanh”. Tuy nhiên, các hoạt động cụ thể chỉ giới hạn ở một số công tác nhỏ lẻ như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lò hơi đốt chất thải trong khu công nghiệp để sản xuất điện phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, tăng cường trồng cây xanh, vệ sinh phân loại rác hàng ngày…

Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia...

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hon-50-doanh-nghiep-fdi-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xanh-i318465/