Hơn 50% doanh thu truyền thông 'chảy' vào mạng xã hội

Phiên thảo luận 'Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí doanh nghiệp và đại lý quảng cáo' diễn ra chiều 16-3 trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Mở đầu hội thảo, nhà báo Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Lê Group thông tin, thời gian gần đây dòng chảy ngân sách quảng cáo vào báo chí đang giảm dần theo tỷ lệ trên tổng chi quảng cáo hằng năm. Nhiều cơ quan báo chí đối mặt với những khó khăn nhất định về doanh thu và tái đầu tư phát triển.

Cụ thể, trong thị trường truyền thông 4 tỷ USD, có khoảng hơn 50% doanh thu chảy vào hoạt động mạng xã hội chứ không phải là báo chí.

Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Bá, Tổng biên tập Báo Vietnamnet lý giải, doanh nghiệp rõ ràng là khách hàng, đối tác của cơ quan báo chí. Ngược lại báo chí cũng là đối tác, là đơn vị bảo vệ, đồng hành cho doanh nghiệp trong môi trường truyền thông. Bên cạnh điều tiết nguồn lực dành cho quảng cáo, doanh nghiệp còn điều tiết tài chính sang một số phương tiện truyền thông khác ngoài báo chí chính thống.

“Nguyên nhân hơn 50% doanh thu truyền thông chảy vào hoạt động mạng xã hội là do báo chí chậm thay đổi. Nếu doanh nghiệp thấy truyền thông báo chí hiệu quả hơn, sẽ chi tiêu ngân sách nhiều hơn", ông Nguyễn Bá nhận định.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Tập đoàn Unilever thông tin tại hội thảo.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Tập đoàn Unilever thông tin tại hội thảo.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Tập đoàn Unilever, cho biết: Doanh nghiệp cũng đã chuyển một phần dòng tiền phát triển truyền thông sang mạng xã hội, nền tảng số... Tuy nhiên, vẫn còn phần ngân sách dành cho truyền thông trên báo chí. Doanh nghiệp mong sự hợp tác mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Nếu trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Các doanh nghiệp đã và đang tìm nhiều phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn. Do đó, các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.

Bên cạnh đó, dòng tiền cho quảng cáo kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp cần đi cùng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Như thế, dòng tiền phải được ưu tiên dành cho những kênh truyền thông sạch, an toàn. Ngược lại, những kênh này phải lớn, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Lan, Giám đốc Cao cấp Content+, Công ty Mindshare cho rằng, báo chí có “hàng hóa” đặc biệt là thông tin, mang đến bạn đọc thông tin mọi mặt, trong đó có thông tin chính thống, chính xác về doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá hình ảnh, hàng hóa, vị thế với thị trường trong nước và quốc tế.

"Chúng ta cùng nhau làm sinh động thêm mối quan hệ win - win (cùng có lợi) này để phát triển", bà Nguyễn Lan đề xuất.

Các ý kiến tâm huyết trình bày tại phiên thảo luận đã thể hiện rõ các mặt trong mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp, từ đó khẳng định đây là mối quan hệ xuất phát từ nhu cầu thiết thực của cả hai bên, hướng tới mục tiêu góp phần tạo dựng môi trường phát triển lành mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hon-50-doanh-thu-truyen-thong-chay-vao-mang-xa-hoi-660950.html