Hơn 50 năm miệt mài sưu tầm tư liệu lịch sử về Bác Hồ
Bằng tình cảm đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và tình yêu quê hương, đất nước, hơn 50 năm qua, ông Nguyễn Đình Phong (thôn Tân An, xã Quảng Thanh, Quảng Trạch) đã miệt mài sưu tầm những bức ảnh, bài viết về Bác Hồ, về lịch sử của quê hương, đất nước.Thôn Tân An là một vùng quê bên bờ sông Gianh, nên hàng năm đều phải chịu những trận gió bão, ngập lụt. Mặc dù vậy, hơn 50 năm qua, các tư liệu ảnh và bài viết về Bác Hồ, về các nhân vật lịch sử của quê hương vẫn được ông Phong giữ gìn cẩn thận, không bị hư hỏng.
Những ngày tháng tư lịch sử này, ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh của ông Nguyễn Đình Phong (SN 1944) lại nhộn nhịp người đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tấm ảnh Bác Hồ và các tư liệu lịch sử mà ông đã kỳ công sưu tập.
Theo lời ông Phong, ông từng là công nhân của tập đoàn sản xuất miền Nam (nay là Công ty CP Lệ Ninh) với công việc chính là chăn bò và ươm cây giống. Năm 1961, ông còn tham gia đắp đê khoanh vùng Hạc Hải tại Hoa Thủy (Lệ Thủy).
Đầu năm 1962, ông được cử tham gia khóa học lái máy kéo ở Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) và cũng chính năm đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (xã Phong Thủy, Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu DT54, đây là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Khi hoàn thành lớp học trở về quê hương, ông là một trong những người đầu tiên được lái chiếc máy cày màu đỏ ấy. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần lao động hăng say, Nguyễn Đình Phong luôn luôn đạt danh hiệu “Kiện tướng cày” nhiều năm liên tục.
Năm 1968, trong lúc đang cày ruộng gần một trận địa pháo cao xạ, bị máy bay địch đánh trúng, máy cày lật nhào, ông bị thương nặng, bị điếc 2 tai. Sau khi điều trị, ông nghỉ mất sức lao động và về quê sinh sống. Năm 1969, khi biết tin Bác Hồ kính yêu đã về với thế giới người hiền, ông Phong xót thương vô cùng.
Ông nhớ lại: “Hồi đó chưa có ti vi như bây giờ, nên để nắm được thông tin “đặc biệt” này, tôi phải tìm đọc trên sách báo. Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, tôi liền giữ lại để kể cho con cháu, mọi người trong làng biết. Bằng tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ, công việc này đã được tôi thực hiện từ đó đến nay.”
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày đó, ông Phong đã tìm kiếm và sưu tầm được hơn 3 nghìn bức ảnh tư liệu quý về Bác Hồ ở từng thời kỳ, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và trên con đường, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Bên cạnh đó, nhiều bài viết, tư liệu quý về lịch sử của quê hương và của dân tộc cũng được ông sưu tầm, cất giữ cẩn thận.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết: “Ông Nguyễn Đình Phong là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong phong trào “tuổi cao, gương sáng” ở địa phương. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, bộ sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và lịch sử quê hương là một tài sản rất quý. Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên ông tiếp tục sưu tầm và trưng bày, giới thiệu, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt đây cũng là tư liệu quý để chúng tôi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ và nhân dân”.