Hơn 60 giờ chờ phép màu trong vụ giải cứu bé trai rơi xuống ống trụ bê tông
Đến rạng sáng 3/1, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cùng lực lượng công binh Quân khu 9 vẫn khẩn trương giải cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình).
350 người trong hơn 60 giờ qua đã sử dụng nhiều phương án khác nhau để cứu bé trai, song việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do “địa chất, địa hình; phương tiện tham gia giải cứu phải điều động từ nơi xa tới”.
Trưa 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu.
Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam rơi xuống ống trụ bê tông đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. Nhóm bạn của Nam hô hoán, nhờ người đến cứu bé trai.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp đã có mặt ở hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ, đồng thời bơm liên tiếp ô-xy và truyền nước xuống để bé Nam cầm cự.
Trên miệng trụ bê tông, lực lượng cứu hộ bảo vệ, không cho đất đá rơi xuống. Nước được tiếp xuống cho Nam, song không nhận được phản ứng của bé trai.
“Nghe tin con trai gặp nạn, tôi chạy đến hiện trường thì ghe tiếng kêu cứu của con. Một lúc sau thì không nghe gì nữa...”, anh Thái Văn Tấn Tài (cha của bé Nam) kể lại.
Lực lượng cứu hộ thử nhiều phương án như đưa ống nhòm chuyên dụng của quân đội, camera hồng ngoại xuống để quan sát bé Nam, nhưng không đem lại kết quả.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp cho biết: “Ban đầu, lực lượng chức năng dùng máy khoan địa chất của công trình để làm đất tơi ra, nhưng tiến độ quá chậm. Sau đó, chúng tôi quyết định điều máy khoan nhồi tới với hy vọng giúp quá trình giải cứu cháu bé sẽ nhanh hơn”.
Chiều tối 1/1, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường.
Theo dự tính của ngành chức năng, trong đêm, trụ bê tông này sẽ được nhổ lên, cứu được bé trai ra ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình khoan cọc nhồi phát sinh một số tình huống, nên lực lượng cứu hộ phải điều chỉnh để đảm bảo an toàn tốt nhất cho cháu bé.
Sáng 2/1, công tác cứu hộ tiếp tục diễn ra khẩn trương. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu huy động chuyên gia hỗ trợ, giải cứu cháu bé rơi xuống ống trụ bê tông.
Đến trưa, Quân khu 9 cử lực lượng công binh cùng thiết bị chuyên dụng nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt bê tông... đến hiện trường.
Thời gian này, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Cháu bé rơi trong lòng ống hẹp ở độ sâu khoảng 35m. Do rơi thẳng xuống như vậy nên khả năng cháu bé bị đa chấn thương; cũng như không đảm bảo không khí để thở, bị lạnh, không ăn uống… nên tiên lượng rất xấu. Do đó, chúng tôi đã có phương án xử lý cấp cứu tại hiện trường".
Về phương án dùng máy khoan làm mềm đất đá xung quanh thành ống bê tông, nhằm giảm tối đa ma sát, ông Đoàn Tấn Bửu khẳng định: “Đây là phương án ưu tiên, sau khi làm mềm đất đá sẽ dùng phương tiện chuyên dụng kéo trụ bê tông lên. Tiếp đó, lực lượng công binh Quân khu 9 sẽ tiến hành nội soi, dò tìm vị trí của cháu bé và cắt ống để cứu hộ”.
Đến tối, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo thông tin, lực lượng cứu hộ đã khoan sâu hơn 30m đất sát trụ bê tông, còn 5m sẽ thực hiện trong đêm.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng cứu hỗ sẽ làm việc xuyên đêm để giải cứu cháu bé; dự định sáng sớm 3/1 sẽ đưa được ống trụ bê tông mà cháu bé rơi vào lên mặt đất.