Hơn 66% học sinh chưa được học bơi và chưa biết bơi
Bộ GD&ĐT cho biết, đến hết năm 2022, tỷ lệ học sinh cấp tiểu học và trung học được dạy bơi và biết bơi của cả nước mới đạt 33,59%; còn lại hơn 66,4% học sinh chưa được học bơi và chưa biết bơi.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước chỉ có gần 2.200 trường có bể bơi trong tổng số hơn 25.000 trường. Tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%. Trong đó, tỷ lệ học sinh cấp tiểu học và trung học được dạy bơi và biết bơi của cả nước mới đạt 33,59%; còn lại hơn 66,4% học sinh chưa được học bơi và chưa biết bơi.
Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 về việc dạy bơi cho học sinh các cấp học và phòng, chống đuối nước. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh hiện nay của các nhà trường còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại nhiều địa phương là nhiều trường học không có bể bơi cho học sinh tập bơi.
Theo Bộ GD&ĐT, thực tế, có nhiều trường có bể bơi nhưng hầu như không vận hành được vì thiếu kinh phí, trong khi đó, kinh phí để quản lý, vận hành bể bơi trong trường học rất tốn kém.
Để tháo gỡ khó khăn này, một số địa phương đã đưa nội dung vận hành, quản lý bể bơi vào danh mục các chi phí của nhà trường; danh mục này do HĐND cấp tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện được nội dung này.
Đối với các trường công lập, việc hợp tác trong sử dụng và khai thác cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn. Còn ở khối trường ngoài công lập, do có cơ chế tài chính chủ động và thuận lợi hơn nên việc tổ chức cho học sinh học bơi được quan tâm thực hiện tốt hơn.
Bộ GD&ĐT cho hay, sẽ tiếp tục triển khai các nội dung về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các quy định liên quan nhằm đẩy mạnh việc tổ chức cho học sinh học bơi trong thời gian tới.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dạy bơi cho học sinh là rất nhiều trường không có bể bơi để tập.
Bên cạnh đó, hầu như các trường công có bể bơi lại không vận hành được vì thiếu kinh phí. Theo Bộ trưởng, việc vận hành, quản lý bể bơi rất tốn kém. Một số tỉnh, thành phố tháo gỡ bằng cách đưa danh mục vận hành, quản lý bể bơi vào trong các chi phí của nhà trường do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành không tháo gỡ theo cách này nên không có kinh phí vận hành.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các trường tư thục, trường ngoài công lập có bể bơi và cơ chế chế tài chính tốt hơn, hợp tác công tư nên việc dạy bơi đang được làm tốt. Tuy nhiên với khối trường công thì việc hợp tác công tư trong sử dụng và khai thác các cơ sở vật chất này đang rất vướng.