Hơn 70 ngày Việt Nam không có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng

Tính đến 18 giờ ngày 26/6, Việt Nam đã qua hơn 70 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhưng cũng ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới sau khi nhập cảnh đã được cách ly ngay, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam lên 353 trường hợp.

Những trường hợp nhập cảnh đều được cách ly

Theo đó, bệnh nhân 353 là nam, 31 tuổi, địa chỉ tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ngày 24/6/2020, hành khách này từ Cameroon quá cảnh Nigeria, Ethiopia, Malaysia, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25/6 trên chuyến bay VN9674. Sau khi nhập cảnh, người này được cách ly tập trung tại Bệnh viện Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 26/6/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Hiện nay, có 6.889 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 117 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.062 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, 710 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Bệnh nhân số 292 được công bố khỏi bệnh ngày 26/6/2020. Ảnh: TTXVN phát.

Bệnh nhân số 292 được công bố khỏi bệnh ngày 26/6/2020. Ảnh: TTXVN phát.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, trong ngày 26/6 đã có thêm một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 292 (nam, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được tiếp tục cách ly để theo dõi trong 14 ngày và được xét nghiệm khẳng định trước khi trở về cộng đồng.

Như vậy, hiện Việt Nam có 330/352 trường hợp được công bố khỏi bệnh (chiếm 93,5% số bệnh nhân mắc COVID-19); không có trường hợp nào tử vong.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế, hiện có 4 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 3 ca âm tính lần 2 trở lên.

AIPA tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ứng phó COVID-19

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 chiều 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và khu vực phải đối mặt với những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, ASEAN đã sớm có phiên họp Cấp cao ASEAN đặc biệt và Cấp cao ASEAN +3 về chủ động hợp tác ứng phó với dịch COVID-19. ASEAN đã chứng tỏ bản lĩnh vững vàng, triển khai cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, huy động sự tham gia, đóng góp rộng rãi của cả Cộng đồng, người dân, phối hợp nhịp nhàng ở cả cấp quốc gia và khu vực để “biến nguy cơ thành thời cơ” nhằm phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững.

“Thay mặt Chính phủ các nước ASEAN, tôi trân trọng cảm ơn sự đồng hành, chung tay của AIPA khi đã kịp thời ủng hộ việc triển khai cụ thể các biện pháp và chính sách của Chính phủ các nước thành viên ASEAN nhằm ứng phó dịch bệnh, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng tại phiên đối thoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 cũng nêu rõ, AIPA đánh giá cao nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra. Trên cơ sở đoàn kết, thống nhất, AIPA ủng hộ việc triển khai trên thực tế các sáng kiến của ASEAN, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN trong triển khai các giải pháp kiểm soát, ứng phó với đại dịch, nâng cao năng lực quốc gia sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và an sinh của người dân, khôi phục an toàn hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định về phát triển trong toàn khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng chủ trì Phiên đối thoại của Lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng chủ trì Phiên đối thoại của Lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN. Ảnh: TTXVN.

“Chúng tôi, những lãnh đạo nghị viện các nước ASEAN đánh giá cao chủ đề Năm ASEAN 2020 “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp và cùng mong muốn hợp tác với ASEAN để xây dựng ASEAN thành ngôi nhà chung của những quốc gia độc lập, năng động, đoàn kết và phát triển trong khu vực Đông Nam Á để ASEAN ngày càng trở lên có tiếng nói quan trọng trong cấu trúc đang định hình ở khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Nhân dịp này, Chủ tịch AIPA 41 đưa ra một số đề xuất: Về chính trị-an ninh, AIPA tiếp tục tăng cường hợp tác bảo đảm tính minh bạch, cởi mở, cách tiếp cận dựa trên luật pháp và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Các Nghị viện AIPA ghi nhận tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông cũng như thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, các giải pháp phòng ngừa để nâng cao niềm tin giữa các bên.

“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tự kiềm chế, không thực hiện các hành vi có thể làm phức tạp tình hình; kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Trước mắt, ASEAN cần tập trung các nguồn lực vào việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN sau đại dịch COVID-19, duy trì cam kết mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, khả năng tiếp cận các loại thuốc và vật tư y tế với giá phù hợp và ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19…

Vắc xin phòng COVID-19 'made in Việt Nam' đang được triển khai

Vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 “made in Việt Nam” đang được triển khai nhanh chóng, vượt tiến độ và được đánh giá có tính sinh miễn dịch khá cao. Theo thông tin từ Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, dự án vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 mà đơn vị nghiên cứu đang có triển vọng “về đích” sớm khi đã vượt tiến độ đề ra khoảng 2 tháng.

Thử nghiệm vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 trên chuột. Ảnh: ĐVCC

Thử nghiệm vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 trên chuột. Ảnh: ĐVCC

Theo đó, ngày 15/5 và 29/5 vừa qua, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột được tiêm dự tuyển vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Đây là cơ sở để phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh.

Với kết quả này, Công ty Vabiotech đã vượt tiến độ giai đoạn 1 dự án khoảng 2 tháng, đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin này. Giai đoạn tiếp theo, vắc xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Theo đại diện Vabiotech, để cho ra đời vắc xin hoàn chỉnh cần thời gian khoảng 9 - 12 tháng nữa; tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. So với mức trung bình là mất khoảng 10 năm để cho ra đời một vắc-xin bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 là một thành tựu rất đáng nể của các nhà khoa học Việt Nam.

Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới.

Trao tặng robot giúp bảo vệ bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa trao tặng 3 Robot Ohmni cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, giúp bảo vệ các bác sĩ, điều dưỡng viên ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Ohmni Robots có chức năng giao tiếp, chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa.

Trao tặng robot cho bệnh viện, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: Những robot này cung cấp giao diện giữa bác sĩ và bệnh nhân để bác sĩ chẩn đoán mà không cần tiếp xúc trực tiếp, có thể khám cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc. Các robot này hoàn toàn tự động và có thể điều khiển từ xa, giúp ích việc khám chữa bệnh, đào tạo từ xa. Đây là chức năng cần thiết cho việc kết nối giữa bệnh viện đầu ngành và bệnh viện ở các địa phương.

Robot không phải để thay thế các bác sĩ và điều dưỡng viên, mà giúp bảo vệ sự an toàn của họ trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao. Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Vũ Trung cho hay: Đến nay, Bệnh viện mới sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và cố gắng bảo vệ nhân viên y tế ở mức tốt nhất có thể. Tuy vậy, một số bác sĩ và điều dưỡng viên vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm cao vì họ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhất là khi làm các thủ thuật điều trị bệnh.

Do đó, những robot này sẽ rất hữu ích vì chức năng khám chữa bệnh không cần tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp bảo vệ các bác sĩ và điều dưỡng viên. Sau khi thử nghiệm các ứng dụng của robot, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Chất lượng hình ảnh, âm thanh và khả năng điều khiển robot di chuyển gần xa, thay đổi vị trí quan sát, có thể một phần hỗ trợ y bác sĩ chẩn đoán bệnh và phát hiện các triệu chứng từ xa. Robot này rất hữu ích, không chỉ ứng dụng trong khu diễn ra dịch bệnh mà còn giúp ích cho việc hội chẩn ca bệnh, đào tạo y học từ xa và ứng dụng khám bệnh ở các vùng sâu, vùng xa...

Đây là những robot đầu tiên trong loạt robot do UNDP trao tặng các bệnh viện, nhằm thử nghiệm hệ sinh thái và các ứng dụng robot, bao gồm chẩn đoán, đào tạo từ xa, phân phát thuốc, đồ dùng cần thiết trong điều trị COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Đợt trao tặng tiếp theo vào tháng 7/2020 sẽ là Robot BeetleBot.

Sau một thời gian thử nghiệm với 2 loại robot này, UNDP sẽ tổ chức các cuộc đối thoại giữa các công ty sản xuất robot và bệnh viện, các bên liên quan trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm góp phần xây dựng hệ sinh thái robot lành mạnh tại Việt Nam.

146 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc hoàn thành cách ly y tế tập trung

Công dân Trung Quốc đủ thời hạn cách ly nhận giấy chứng nhận và hộ chiếu trước khi rời Khách sạn DIC STAR Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Công dân Trung Quốc đủ thời hạn cách ly nhận giấy chứng nhận và hộ chiếu trước khi rời Khách sạn DIC STAR Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Ngày 26/6, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho 146 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc làm việc tại Khách sạn Dic Star Vĩnh Phúc ở thành phố Vĩnh Yên. Được biết, 146 chuyên gia này được đưa về cách ly tập trung tại Khách sạn Dic Star Vĩnh Phúc từ ngày 12/6/2020.

Trong thời gian cách ly, các chuyên gia nước ngoài thực hiện tốt hướng dẫn của cán bộ, ngành y tế, quy định tại khu cách ly y tế tập trung, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; được chăm sóc tận tình, chu đáo, nhất là bảo đảm chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng.

Các chuyên gia nước ngoài đều có sức khỏe tốt, được Sở Y tế Vĩnh Phúc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1, lần 2 và được trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung, trở về nơi làm việc tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe thêm một tuần.

Dự kiến ngày 29/6 tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đón hơn 100 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc làm việc tại các công ty trong các khu công nghiệp. Các chuyên gia sau khi đến Vĩnh Phúc sẽ được đưa cách ly tại khách sạn Dic Star Vĩnh Phúc và sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hai lần trong thời gian 14 ngày được cách ly.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hon-70-ngay-viet-nam-khong-co-truong-hop-mac-covid19-trong-cong-dong-20200626212803099.htm