Hơn 70 nhà khoa học thế giới thảo luận các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm

Hơn 70 nhà khoa học, nghiên cứu sinh đang có mặt ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để tham gia chuỗi các sự kiện khoa học quốc tế 'Trường hè, hội thảo và hội nghị chuyên đề MIDSEA'.

 Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Ngày 24-6, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICSE; ở thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (tại Pháp) đã cùng mạng lưới những nhà nghiên cứu khoa học làm việc trong lĩnh vực mô hình truyền nhiễm Đông Nam Á (MIDSEA) tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện quốc tế “Trường hè, hội thảo và hội nghị chuyên đề MIDSEA”, với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học và nghiên cứu sinh đến từ 17 quốc gia.

Theo ICISE, MIDSEA là mạng lưới nghiên cứu các mô hình truyền nhiễm bệnh đến từ nhiều đại học lớn như: Đại học De La Salle (Philippines); Đại học Mahasarakham (Thái Lan); Đơn vị nghiên cứu y học nhiệt đới Mahidol – Oxford (MORU, Thái Lan); Đại học Quốc gia Singapore; Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU); Đại học Philippines...

Đây là diễn đàn kết nối các nhà khoa học để cùng lan tỏa, trao đổi ý tưởng và học hỏi, cọ xát kinh nghiệm về các mô hình bệnh truyền nhiễm.

“Thông qua các nghiên cứu có thể góp phần kiểm soát các đợt dịch bùng phát ở Đông Nam Á và khu vực trong tương lai”, thông tin từ ICISE cho biết.

 Các giáo sư đầu ngành trình bày các công trình nghiên cứu, bài giảng tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Các giáo sư đầu ngành trình bày các công trình nghiên cứu, bài giảng tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Gần đây, sau đại dịch Covid-19, mạng lưới này hoạt động khá mạnh mẽ, tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế chuyên đề liên quan đến các mô hình tác động vaccine: HPV, Strep A và chikungunya; tìm hiểu di chứng lâu dài của bệnh truyền nhiễm; khám phá mô hình dịch tễ học sinh thái về sự lây lan của Hantavirus và mô hình dịch tễ học về sự lây truyền Covid-19…

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (tại Pháp), “Trường hè, hội thảo và hội nghị chuyên đề MIDSEA” năm nay quy tụ nhiều chuyên gia, giáo sư truyền nhiễm hàng đầu khu vực. Xuyên suốt sự kiện trong 10 ngày (19 đến 29-6), các nhà khoa học tên tuổi sẽ trình bày nhiều nghiên cứu, bài giảng chuyên đề về các mô hình truyền nhiễm theo nhiều chủ đề từ cơ bản đến nâng cao.

 Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Trong đó, 2 bài giảng chuyên sâu của GS Alexander Richard Cook (Đại học Quốc gia Singapore) sẽ trình bày các nghiên cứu, kinh nghiệm của ông về mô hình và thống kê các bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Đông Nam Á, như: sốt xuất huyết, cúm và các tác nhân khác gây bệnh về hô hấp.

Còn GS Jomar Rabajante (Đại học Philippines Los Banõs, Philipines) trình bày nghiên cứu về “các loại mô hình” và “mô hình Compartment và mô hình ODE"; nội dung liên quan đến tiếp cận, phân loại và giải pháp để cách ly người bệnh truyền nhiễm.

 GS Alexander Richard Cook (Đại học Quốc gia Singapore) trình bày bài giảng tại sự kiện

GS Alexander Richard Cook (Đại học Quốc gia Singapore) trình bày bài giảng tại sự kiện

Tại sự kiện, GS Alexander Richard Cook (Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ, “Trường hè, hội thảo và hội nghị chuyên đề MIDSEA sẽ tạo ra diễn đàn giúp các nghiên cứu sinh trẻ trên toàn Đông Nam Á và khu vực được tiếp cận, học hỏi, kế thừa các mô hình, kinh nghiệm nghiên cứu của các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành".

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hon-70-nha-khoa-hoc-the-gioi-thao-luan-cac-nghien-cuu-ve-benh-truyen-nhiem-post746054.html