Hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất tại Hà Nội tiếp tục vào 'tầm ngắm'

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Hà Nội tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, từ đó quyết liệt xử lý dứt điểm, giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ.

Đến hết tháng 6/2024, UBND TP.Hà Nội cho biết đã chỉ đạo xử lý đối với 705 Dự án (chiếm 99% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

410/712 dự án thoát danh sách chậm tiến độ

Trong 712 dự án, có 410 dự án với tổng diện tích trên 9.089 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Kết quả xử lý trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 80 dự án so với cuối năm 2023 (330 dự án).

Xử lý dự án chậm triển khai là chìa khóa để Hà Nội phát huy nguồn lực đất đai.

Xử lý dự án chậm triển khai là chìa khóa để Hà Nội phát huy nguồn lực đất đai.

Trong đó, có 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố. Có 155 dự án sau thanh tra, kiểm tra, Chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại. Đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.

Có 153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 18 dự án được Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra thụ lý, xử lý theo quy định; 44 dự án nhà đầu tư đang triển khai thực hiện theo tiến độ và quy định pháp luật đầu tư; 19 dự án được các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận và Nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan về quy hoạch, tài chính, đất đai, đấu giá...

Có 295 Dự án với tổng diện tích 2.255,5 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện: Tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh. Kết quả 06 tháng đầu năm 2024 đã giảm 55 dự án so với cuối năm 2023 (350 dự án).

Còn 7 dự án với tổng diện tích 88,5 ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Tăng cường kiểm tra, giải quyết vướng mắc

Trong danh sách dự án được gỡ vướng, có thể kể đến dự án Nam Đàn Plaza của CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) được chuyển từ nhóm thu hồi sang gia hạn.

Tại dự án công trình thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc (Cầu Giấy) của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tháng 10/2023, UBND TP có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất là 11 tháng.

Ngoài ra có thể kể đến các dự án như: Dự án Xây dựng trụ sở Ngân hàng Công thương (VietinBank); dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang tại Long Biên; Khu chung cư quốc tế Booyoung Việt Nam (Hà Đông); dự án Bệnh viện Nam Cường (Hà Đông) và dự án tại khu B thuộc khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông) của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường; dự án khu đô thị mới tại lô đất N1+N3 thuộc khu đô thị Quốc Oai (Quốc Oai) của CTCP Tập đoàn C.E.O…

Công tác xử lý các dự án chậm triển khai tại Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Công tác xử lý các dự án chậm triển khai tại Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hàng trăm dự án “treo” nằm rải rác ở khắp các quận, huyện tại Hà Nội gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai. Từ công trình phục vụ dân sinh đến cả những dự án nằm ở trung tâm thành phố được xem là “đất vàng” cũng rơi vào hoàn cảnh “đắp chiếu” xuyên thập kỷ.

Trước diễn biến thực tế, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Như ở Thạch Thất, huyện chủ động chia các dự án chậm tiến độ thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, huyện đề nghị thu hồi đất, hủy quyết định thu hồi đất, chấm dứt hoặc rà soát dự án. Nhóm thứ hai, huyện đề nghị tiếp tục rà soát các thủ tục dự án. Điều này giúp việc kiểm tra, xử lý, giải quyết vướng mắc nhanh gọn hơn.

Bên cạnh những dự án đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thi công phần thô hoặc một số hạ tầng kỹ thuật, sau đó nằm “đắp chiếu” thì cũng có hàng trăm dự án “ôm” đất đến gần 20 năm nhưng cũng không triển khai, tập trung ở các địa bàn huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì...

Trong đó, huyện Mê Linh có số lượng lớn, với tổng số gần 50 dự án với gần 2.400ha đất nằm “đắp chiếu”, người dân không có đất canh tác, Nhà nước không thu được tiền sử dụng đất, gây lãng phí nghiêm trọng.

Kiên quyết xử lý dứt điểm

Không thể phủ nhận trong hơn 2 năm qua, công tác xử lý các dự án chậm triển khai cho thấy rất tích cực. Việc tập trung xử lý 712 dự án thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng sự vào cuộc tiên phong của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, UBND TP.Hà Nội dự kiến tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2024, Hà Nội tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, tổ chức phân loại dự án thành các nhóm dự án chậm triển khai, phân công các Sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp. Quyết liệt xử lý dứt điểm, giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính… liên quan đến các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai để tạo điều kiện cho chủ đầu tư khắc phục, hoàn thiện các thủ tục, đầu tư xây dựng công trình và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ việc thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Việc này nhằm chủ động phòng ngừa từ xa, phát hiện từ sớm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời xử lý dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ngay từ ban đầu.

Phương Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/hon-700-du-an-von-ngoai-ngan-sach-co-su-dung-dat-tai-ha-noi-tiep-tuc-vao-tam-ngam-1100944.html