Hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi đã được cấp căn cước gắn chip

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024) đến ngày 1/8, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi.

Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024) đến ngày 1/8, chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho tổng cộng 2.195.938 trường hợp trên cả nước.

 Hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi đã được cấp căn cước gắn chip. Ảnh minh họa

Hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi đã được cấp căn cước gắn chip. Ảnh minh họa

Trong đó, đối với công dân dưới 6 tuổi khi thực hiện thủ tục cấp căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của công dân thực hiện thủ tục cấp căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đến nay đã cấp được căn cước cho 770.549 trường hợp.

Đối với công dân từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp căn cước cần phải đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện quy trình cấp căn cước do phải thu nhận sinh trắc học. Kết quả đến nay đã cấp căn cước cho 689.085 trường hợp.

Đối với người dưới 14 tuổi, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân được sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân theo quy định. Một số trường hợp cụ thể sẽ sử dụng căn cước trong các thủ tục đi lại (đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh…

Đối với công dân từ đủ 14 tuổi, Bộ Công an đã cấp căn cước 736.304 trường hợp.

Theo luật Căn cước 2023, trẻ em 0 đến 6 tuổi không bắt buộc làm thẻ căn cước chỉ thực hiện khi có nhu cầu. Đồng thời, Bộ Công an cũng quy định 2 mẫu thẻ căn cước khác nhau, chia theo độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên. Cụ thể, đối với công dân Việt Nam dưới 6 tuổi, mặt trước thẻ căn cước gồm các thông tin sau: dòng chữ CĂN CƯỚC; biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch.

Mặt sau thẻ căn cước gồm các thông tin: nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chíp điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; dòng MRZ.

Về thủ tục đi làm thẻ căn cước cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, người đại diện hợp pháp gồm: cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Người đại diện hợp pháp lưu ý là với nhóm tuổi này khi làm thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin sinh trắc học ảnh mặt, vân tay và mống mắt.

Khi người đại diện hợp pháp gồm cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Nếu trẻ em từ 0 đến 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đi đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Nếu nộp hồ sơ làm thẻ căn cước trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước thì người đại diện hợp pháp phải mang theo giấy tờ tùy thân của mình là thẻ căn cước (hoặc CCCD ) để làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi. Thủ tục gồm 5 bước:

Bước 1: Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước.

Bước 2: Cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bước 3: Cán bộ thu nhận thực hiện tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bước 4: Trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế...) thì cán bộ thu nhận thực hiện tiếp nhận yêu cầu tích hợp thông tin giấy tờ.

Bước 5: Cán bộ thu nhận thực hiện in phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi kiểm tra thông tin trên phiếu thu nhận và ký xác nhận, chờ nhận giấy hẹn lấy thẻ căn cước.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-770-nghin-cong-dan-duoi-6-tuoi-da-duoc-cap-can-cuoc-gan-chip-post306243.html