Hơn 8 năm tù cho kẻ lừa đảo

Những người có mặt tại phiên tòa xét xử Phạm Văn K, sinh năm 1987, trú tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khá ngỡ ngàng sau khi chủ tọa tuyên án. Người thân của bị cáo đứng lặng, còn tiếng khóc nấc lại cất lên từ bị hại, đó là chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1973, trú tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà.

Chị H khóc không phải vì thương cảm cho kẻ bị kết tội mà do chị hiểu rằng, từ đây, việc đòi lại gần 300 triệu đồng hết sức xa vời, kể cả khi K mãn hạn án phạt tù. K vốn là kẻ sống lang thang nay đây, mai đó, không tài sản, không việc làm ổn định, lấy đâu hàng trăm triệu đồng để trả nợ?

Ảnh minh họa.

Câu chuyện phạm tội của Phạm Văn K giống như trong phim hơn là ngoài đời thực. K xin việc làm chưa đầy 3 ngày đã lừa đảo, cầm cố xe ô tô của bà chủ rồi trốn biệt, lang thang ở nhiều tỉnh, thành phố mấy năm trời mới bị bắt và đưa ra xét xử.

Một ngày mùa hè năm 2018, qua mối quan hệ xã hội, K biết chị Lý Triệu Y, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cần tuyển lái xe nên đến xin việc làm. Là người từng trải nên trước mặt chị Y, Phạm Văn K cố ăn nói nhỏ nhẹ, tạo vẻ mặt hiền từ, dễ gần để gây thiện cảm và hắn đã thành công. Một hợp đồng lao động tạm thời (hợp đồng miệng) được lập nên, nhiệm vụ của K là 7 giờ hằng ngày tới điểm đỗ xe qua đêm tại chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai lấy xe ô tô bán tải Ford ranger mang biển kiểm soát 24C-074.13 chở hàng đi giao cho các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh.

Qua ngày thứ nhất, thứ hai, sang ngày thứ ba, K chở chị Y, kế toán cửa hàng và em trai chị Y tới thị xã Sa Pa giao hàng. Xong việc, chị Y phải ở lại giải quyết việc cá nhân đến hôm sau, thấy vậy, K nảy sinh ý định dùng xe ô tô 24C-074.13 đi lừa đảo lấy tiền và bỏ trốn. Chiều hôm đó, K vẫn mang xe tới chỗ gửi như bình thường, chờ đến 21 giờ mới “diễn kịch”. Y hớt hơ, hớt hải chạy tới nói với bảo vệ ngân hàng là cần lấy xe ô tô chở bà chủ đi giải quyết việc gấp. Lấy được xe ra khỏi cổng ngân hàng, K đi thẳng một mạch tới huyện Bắc Hà, tìm đến cửa hàng của chị Nguyễn Thị H đề nghị cầm cố phương tiện lấy 300 triệu đồng trong khoảng 1 tháng. Kiểm tra thấy ô tô không mang tên người cầm cố nên chị H từ chối, K liền thuyết phục rằng đây là xe cũ y mới mua, chưa kịp sang tên, xe hoàn toàn có thể bán được với giá 600 triệu đồng. Tin lời, chị H đã đưa cho K 300 triệu đồng.

Lừa được 300 triệu đồng của chị H, Phạm Văn K đi taxi về thành phố Lào Cai thuê nhà nghỉ tới 6 giờ hôm sau thì tắt điện thoại để chị Y không liên lạc được và bắt đầu hành trình chạy trốn. Đầu tiên, K thuê taxi tới một huyện rồi viết thư, sau đó thuê tài xế taxi mang về đưa cho chị Y, trong thư K nói rõ địa chỉ mình cầm cố xe và giải thích là do khó khăn nên làm như vậy, tới khi nào có điều kiện sẽ trả nợ.

Về phần chị Y, sau khi nhận được thư của K mới “ngã ngửa” là mình thuê phải nhân viên xấu, chị vội báo cơ quan công an. Chiếc xe ô tô bán tải biển kiểm soát 24C-074.13 đã được mang về trả cho đúng chủ nhân, bị hại là chị Nguyễn Thị H thì không biết làm sao để lấy lại số tiền đã cho vay vì kẻ lừa đảo “cao chạy xa bay”.

Bản thân K có lai lịch không mấy tốt đẹp, năm 2008, y từng bị Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 1 năm tù giam về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. “Ngựa quen đường cũ”, tại phiên tòa lần này, Phạm Văn K tiếp tục cúi đầu nhận tội và nói lời xin lỗi bị hại nhưng tất cả đã quá muộn.

Trong lúc bị cáo cúi đầu nghe tuyên án, giọng chủ tọa phiên tòa sang sảng: “Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, trật tự trị an tại địa phương, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Bị cáo từng bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nay lại phạm tội thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng nên cần xét xử nghiêm minh, áp dụng mức án phù hợp với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội… Xét các căn cứ nêu trên, xử phạt bị cáo Phạm Văn K mức án 8 năm 3 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày…”.

Trước khi bị áp tải trở lại ô tô chuyên dụng chuyên chở phạm nhân, Phạm Văn K nhìn lại phía sau tìm quanh, vợ hắn không thể lặn lội từ Thái Bình tới dự phiên tòa. “Đứng như trời trồng” lúc này là bố của K, ông Phạm Văn T ghìm chặt nỗi đau nhìn theo con trai. Còn K không đủ can đảm nhìn sâu vào ánh mắt ấy thêm một giây nào nữa bởi lương tâm y dằn vặt vì lỗi lầm của mình.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355958-hon-8-nam-tu-cho-ke-lua-dao