Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm sự trợ giúp
Theo số liệu khảo sát năm 2019, 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm sự trợ giúp từ bên ngoài mà âm thầm chịu đựng.
Số liệu này được đưa ra tại chương trình Bữa sáng ruy băng trắng lần thứ 6 -Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tháng hành động Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em (từ 15/11-15/12).
Chương trình này diễn ra sáng 1/12 do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức với chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Di cư an toàn và bình đẳng, cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó".
Theo điều tra quốc gia năm 2019, tại Việt Nam có gần 63% phụ nữ phải chịu ít nhất hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời, trong đó có nhiều phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Thậm chí, hơn 90% bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục do chồng gây ra nhưng không tìm kiếm bất cứ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Để góp phần thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng mô hình Nhà tạm lánh- hay còn gọi là Ngôi nhà Bình yên cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Từ thực tế hoạt động của Ngôi nhà bình yên, trong tổng số 14.000 người được tham vấn thì chỉ có 37 % trường hợp liên quan đến sự di cư an toàn. Hiện có 400 trong số 1.400 phụ nữ, trẻ em tạm lánh tại 3 ngôi nhà bình yên là phụ nữ di cư quốc tế, trong đó hơn 66 % bị bạo lực xâm hại tình dục, gần bao nhiêu đây % bị mua bán vì mục tiêu lao động. Đặc biệt là có tới hơn 11% vừa bị bạo lực tình dục vừa bị bóc lột sức lao động.
Theo bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, phụ nữ di cư lao động cũng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều các thách thức, ngoài rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lao động nữ di cư thiếu cơ hội tiếp cận các kênh chính thức đi làm việc ở nước ngoài, thiếu hiểu biết về quyền tại các nước sẽ đến. Lao động thiếu thông tin, kỹ năng để có thể phòng ngừa tự bảo vệ bản thân để phòng tránh mua bán người và bạo lực giới. Nhiều lao động nữ không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động mập mờ, bị chủ lao động bóc lột sức lao động, bị bạo lực giới.
“Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Năm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em di cư an toàn, bình đẳng cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó” với một mong muốn thống nhất cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ hơn nữa, để hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ trẻ em đảm bảo quyền an toàn và bình đẳng của họ”, bà Linh nói.
Phát biểu tại chương trình, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nam giới trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch truyền thông cần tập trung nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của nam giới hướng đến giải quyết gốc rễ của bạo lực.
“Chúng ta, những nam giới có vai trò hết sức quan trọng và to lớn để xóa bỏ bạo lực đối với lao động nữ, đó không chỉ là một việc làm đúng đắn mà còn là một việc làm đầy thông minh. Chúng ta có sức mạnh để tạo ta có những ảnh hưởng tới sự thay đổi trong xã hội. Tôi không nghi ngờ gì về những nỗ lực của chúng ta để hướng của thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là dành cho lao động nữ di cư. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đang hướng đến những sự thay đổi tích cực”, ông Lee nhấn mạnh./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hon-90-phu-nu-bi-bao-luc-khong-tim-su-tro-giup-821215.vov