Hơn 90% sàn giao dịch bất động sản có doanh thu giảm

Hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 giảm so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 20% - 50%; 61% giảm trên 50%...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu, niềm tin bị sụt giảm khiến lượng giao dịch có chiều hướng đi xuống. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), năm 2022, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường đạt 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so lượng giao dịch năm 2018. Sang đến quý 1/2023, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường cũng chỉ 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so cùng kỳ năm 2022. Điều này đã tác động phần nào tới những đối tượng tham gia thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

CHÌM TRONG KHÓ KHĂN

Kết quả khảo sát của VARs với các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 giảm so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 20% - 50%; 61% giảm trên 50%, thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên mức giảm doanh thu lên tới 70% - 80%.

Ngoài ra, hơn 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có 50% doanh nghiệp giảm quy mô lao động trên 20% so quý 2/2022; một số doanh nghiệp dưới 50 nhân viên còn chấm dứt hợp đồng với khoảng 90% lao động và gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại vị trí quản trị trọng yếu, hoặc dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hay chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc do không đủ nguồn lực cầm cự... Riêng 5 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp môi giới tiếp tục sa thải thêm 10% - 20% nhân sự so cuối năm 2022.

Đặc biệt qua cuộc khảo sát, hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản cho biết đã cắt giảm lương nhân sự 10% - 20%; hơn 44% số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự để không phải giảm lương.

Với những khó khăn hiện tại, VARs dự báo, nếu tình hình thị trường vẫn diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động hết quý 3/2023; 43% doanh nghiệp trụ được hết năm 2023.

Về tình cảnh khốc liệt này, Sở Xây dựng TP.HCM trước đó cũng đã công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, thành phố ước còn 59 sàn giao dịch đang hoạt động. 100% đều gặp vấn đề liên quan đến doanh thu, chi phí, tiền hoa hồng cho nhân viên…

Hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, danh sách các sàn giải thể trên địa bàn đang nối dài với nhiều cái tên từng có tiếng như: sàn Hoàng Anh của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (quận 10); sàn Wonderland của Công ty TNHH Gia Luật Group (quận 3); sàn Hiệp Long của Công ty cổ phần quản lý và phát triển Hiệp Long (quận Tân Bình); sàn DPV của Công ty cổ phần phát triển bất động sản DPV (quận 3); sàn Milestone Land của Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy (TP.Thủ Đức)...

PHÁT TRIỂN THEO CHIỀU SÂU

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs nhận xét, lúc này, rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao, luẩn quẩn trong mớ bòng bong, không tìm ra lối thoát. Mặc dù Chính phủ đã có động thái hỗ trợ nhưng chưa đủ “thấm” để giải quyết triệt để tồn tại. Những khó khăn tác động đến thị trường bất động sản trong một thời gian dài không được giải quyết triệt để nên giống như “mưa dầm thấm lâu” dẫn đến kết quả toàn thị trường chìm dần trong khó khăn.

Trước tình trạng này, đại diện VARs nêu ý kiến, Chính phủ cần ban hành các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể cho toàn thị trường, nhằm đúng vào vấn đề mà thị trường trông đợi như: giảm thuế, hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Riêng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì phải có kỹ thuật chống khủng hoảng trong hoạt động kinh doanh trước bối cảnh thiếu hàng, bằng những giải pháp: tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh; kỹ thuật duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí; kỹ năng giữ mối quan hệ với chủ đầu tư, nguồn hàng.

Cùng với đó, tích cực phát triển nguồn hàng mới, phân khúc hàng hóa mới; kỹ thuật duy trì tập khách hàng truyền thống; giải pháp phát triển tập khách hàng mới; hỗ trợ khách hàng xử lý khủng hoảng; kích thích nhu cầu mới; thêm nữa là kỹ thuật xử lý dòng tiền...

Còn ở góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) lưu ý, giữa bối cảnh khó khăn doanh nghiệp môi giới cần phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.

“Các công ty nên nhân cơ hội này nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng dịch vụ cho nhân viên. Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đây là thời điểm “vàng” giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân tài”, ông Khôi nhấn mạnh và cho rằng, để duy trì hoạt động, các sàn môi giới hiện tại phải ưu tiên quỹ hàng giá rẻ, dễ bán, phục vụ nhu cầu ở thực. Qua giai đoạn khó khăn, những môi giới “sống sót” sẽ là những người chiến thắng. Đồng thời, thị trường cũng chọn lọc được doanh nghiệp thực sự tiềm lực, uy tín.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hon-90-san-giao-dich-bat-dong-san-co-doanh-thu-giam.htm