Hơn 99,9% thu - chi ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt

Chiều 14/6, phát biểu khai mạc hội thảo 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt' tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính những năm qua đã vào cuộc quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính. Đến thời điểm này, hơn 99,9% thu - chi ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quang Định

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quang Định

Giao dịch không tiền mặt tăng nhanh

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời đại kỷ nguyên số, việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã trở thành xu thế tất yếu và đã trở thành phổ biến trên thế giới, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo minh bạch các hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi trả hàng ngày của toàn xã hội.

Giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách

Năm 2023: Tỷ lệ thu NSNN bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,93% tổng thu NSNN qua KBNN. Tỷ lệ chi NSNN bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,9% tổng chi NSNN qua KBNN.

“Nhận thức rõ tầm quan trọng của TTKDTM đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực tài chính” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Theo đó, ngành Tài chính đã tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy các giao dịch TTKDTM, tăng cường quy định các khoản thu, chi NSNN bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản; thu hẹp dần các khoản được phép chi bằng tiền mặt.

Về thu NSNN, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường TTKDTM và tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp nộp NSNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và KBNN đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại (NHTM). Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu NSNN đã thực hiện theo các phương thức TTKDTM.

Về chi NSNN, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách. Đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho KBNN tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2013, KBNN đã sử dụng chữ ký số trên 100% các giao dịch điện tử giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách, các ngân hàng thương mại và các đơn vị giao dịch để đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin, tính xác thực danh tính của cá nhân, tổ chức ký số và tính chống chối bỏ do chữ ký số được cấp cho cá nhân, tổ chức là duy nhất, không thể giả mạo.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, làm giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi NSNN. Năm 2023, tỷ lệ thu NSNN bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,93% tổng thu NSNN qua KBNN; tỷ lệ chi NSNN bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,9% tổng chi NSNN qua KBNN.

Ngân sách tăng thu hàng nghìn tỷ đồng thuế

Hiện nay, cơ quan thuế đã kết nối nộp thuế điện tử với 57 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và triển khai đa dạng các hình thức nộp thuế điện tử. Người nộp thuế có thể thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (eTax, eTax mobile), nộp qua Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về thuế T-VAN hoặc thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử qua các dịch vụ ngân hàng.

Cơ quan thuế cung cấp thông tin nghĩa vụ thuế cho Cổng dịch vụ công quốc gia, nơi tập trung tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính thuế của người dân, doanh nghiệp để người nộp thuế, đặc biệt là cá nhân, có thể thực hiện nộp thuế sau khi đã thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Thống kê của ngành Thuế, khoảng trên 99% số doanh nghiệp đang hoạt động đã tiến hành các giao dịch nộp thuế điện tử.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, số lượng giao dịch nộp thuế điện tử tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Trong đó, tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế qua dịch vụ Thuế điện tử eTax (năm 2023 số tiền nộp là 866.468 tỷ đồng và 4.804.030 USD), cá nhân nộp qua dịch vụ Thuế điện tử eTax Mobile, trong đó số lượt giao dịch khoảng 920.110 giao dịch, tương ứng với số tiền là 2.645,9 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, theo người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về TTKDTM trong thu, chi NSNN; Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; Đẩy mạnh thu, chi NSNN bằng các hình thức TTKDTM; Tăng cường thanh tra, kiểm tra; Thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân và các cơ quan, đơn vị sử dụng các hình thức TTKDTM trong thu, chi NSNN.

Người thu - nộp ngân sách nhà nước là những khách hàng đặc biệt

Cùng với sự phát triển của các hình thức, phương tiện thanh toán, công nghệ hiện đại, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chúng ta đang phải đối mặt với các loại tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Sớm nhận thức được những khó khăn, thách thức này, ngành Tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng.

Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng. Kết nối, chia sẻ thông tin mã độc và thông tin giám sát an toàn thông tin mạng với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; chuẩn bị kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an ninh mạng với Trung tâm An ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để đạt được những mục tiêu đã đề ra tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đến năm 2025, cần có sự quyết tâm lớn từ hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu, chi ngân sách. Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng đến thực hiện thu - chi NSNN và coi đây là những khách hàng đặc biệt.

Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các tiện ích trên thiết bị di động nhằm khuyến khích người sử dụng tự nguyện chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Riêng các cơ quan thu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc nhà nước phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua ngân hàng.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng cường TTKDTM trong thu, chi NSNN và thực hiện việc nộp, rút tiền mặt tại các ngân hàng thương mại.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hon-999-thu-chi-ngan-sach-nha-nuoc-khong-dung-tien-mat-153046.html