Hơn chục năm vẫn vướng chế tài xử lý dữ liệu từ 'hộp đen'
Từ việc khai thác dữ liệu trong thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô (hộp đen), ngày 25/3 vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kiểm tra, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm về thời gian lái xe.
Trong đó, số liệu được Cục Đường bộ trích xuất trên hệ thống thông qua dữ liệu từ hộp đen của ôtô thuộc các doanh nghiệp vận tải ở TP Hồ Chí Minh gửi đến Sở GTVT cho thấy: Chỉ trong vòng 20 ngày (từ 1/3 đến 20/3) đã có hơn 81.000 lượt phương tiện của doanh nghiệp vận tải vi phạm về thời gian lái xe. Trong số này, vi phạm về thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ chiếm gần 440.000 trường hợp, ngoài ra cũng đã có trên 7.100 trường hợp lái xe làm việc quá 10 giờ/ngày và có rất nhiều phương tiện vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian trên.
Theo danh sách doanh nghiệp vận tải được Sở GTVT nêu ra, vi phạm về thời gian lái xe liên tục và số giờ làm việc trong ngày không chỉ xảy ra đối với những doanh nghiệp vận tải nhỏ hoặc các HTX vận tải, mà nhiều doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn cũng bị nhắc tên. Dù đưa ra danh sách các doanh nghiệp vận tải vi phạm, nhưng ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vẫn kèm theo yêu cầu: Để tránh trường hợp thông tin số liệu vi phạm có khả năng sai biệt hoặc chênh lệch giữa đơn vị vận tải và hệ thống của Cục Đường bộ, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát, đối chiếu trên hệ thống của mình.
Mặc dù hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đã hoàn thành, nhưng việc xử lý vi phạm của Sở GTVT cũng chỉ dừng ở mức yêu cầu doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến đến lái xe, chủ phương tiện phải chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời tuân thủ nghiêm thời gian làm việc của người lái ôtô. Chứ việc xử phạt vi phạm khó có thể thực hiện do còn phải thực hiện một loạt các bước tiếp theo như đối chiếu, chứng minh và lập biên bản vi phạm…
Chưa dừng lại ở con số vi phạm “khủng” trên, ngày 5/4 vừa qua ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã gửi Thanh tra Sở GTVT danh sách hơn 1.700 doanh nghiệp vận tải chưa thực hiện việc thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm. Cụ thể, từ việc giám sát qua dữ liệu hộp đen gắn trên phương tiện, hằng tháng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ lập danh sách những phương tiện vi phạm 5 lần quá tốc độ khi chạy trên quãng đường 1.000km để báo cáo Sở GTVT xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.
Trong danh sách các doanh nghiệp vận tải có phương tiện vi phạm được công bố, không chỉ có doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, mà có cả các công ty, HTX vận tải hàng hóa và xe hợp đồng. Thực trạng trên một lần nữa cho thấy, tuy trên hộp đen của phương tiện có đầy đủ dữ liệu, nhưng việc xử phạt là không đơn giản mặc dù đây chỉ là xử lý nguội, tức xử phạt sau khi hành vi gây nguy cơ mất an toàn giao thông đã được thực hiện.
Kiến nghị với Bộ GTVT về công tác kiểm tra, xử lý xe ôtô đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một loạt khó khăn vướng mắc cần được Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn. Trong đó, lãnh đạo UBND thành phố cho rằng, về khai thác dữ liệu trong hộp đen, Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định trong 1 tháng, mỗi xe ôtô khách không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu, điểm cuối hành trình trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một hoặc nhiều điểm nằm trên một tuyến phố, ngõ, hẻm trong đô thị.
Về vấn đề gửi thông tin hợp đồng trước khi vận chuyển khách, từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch lữ hành phải gửi thông tin này qua phần mềm của Bộ GTVT. Trong khi đó, hệ thống xử lý, giám sát dữ liệu từ hộp đen của xe do Cục Đường bộ quản lý chưa được nâng cấp để có thể truy xuất được các dữ liệu trên.
Mặc dù Nghị định 10/2020 của Chính phủ đã quy định không được đón, trả khách thường xuyên lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác do doanh nghiệp thuê hay hợp tác kinh doanh… nhưng theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, những nội dung này vẫn cần được Bộ GTVT quy định, hướng dẫn rõ hơn. Nhất là khi chủ thể của hành vi vi phạm chưa được quy định rõ là toàn bộ ôtô khách của một doanh nghiệp vận tải hay từng xe và số lần lặp đi lặp lại bao nhiêu mới được xem là vi phạm.
Đối với việc lập bến “cóc”, Nghị định 100/2019 của Chính phủ đã quy định, song các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có khái niệm thế nào là bến “cóc” nên lực lượng chức năng rất khó xác định đối với hành vi này. Ngoài ra, lực lượng thực thi công vụ còn gặp khó trong việc xác định chủ thể của hành vi này là ai trong số cá nhân, tổ chức sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại địa điểm vi phạm; cá nhân, tổ chức thuê địa điểm đang vi phạm để kinh doanh như cây xăng, bãi xe… hay doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Như vậy đến nay việc lắp hộp đen trên xe khách và xe vận tải hàng hóa đã được thực hiện hơn chục năm, nhưng việc trích xuất dữ liệu vi phạm từ hộp đen để xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải, chủ xe vẫn là vấn đề không đơn giản.