Hồn cốt Việt trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ lưu thông tin người đỗ đạt, mà còn thể hiện niềm kiêu hãnh của kẻ sĩ Việt, muốn gánh vác trọng trách văn hiến nước nhà.
Trần Hậu Yên Thế là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc. Khi xuất bản thành sách, các công trình ấy được công chúng đón nhận, tôn vinh ở những giải thưởng sách cao quý.
Với mỗi nghiên cứu, tác giả Trần Hậu Yên Thế và những cộng sự của mình đã dành cả thập kỷ để hoàn thành. Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu thực hiện cũng không ngoại lệ.
Cuốn sách giới thiệu vẻ đẹp của 82 tấm bia tiến sĩ ở dạng ảnh chụp, bản rập, bản đạc họa, bản phác họa.
Trò chuyện về cuốn sách, tác giả khẳng định “nét Việt” để nhấn mạnh giá trị nghệ thuật nhưng cũng là ngụ ý “nết Việt” trên bia tiến sĩ Thăng Long.
Sững sờ trước vẻ đẹp trên bia tiến sĩ
- Hành trình để “Song xưa phố cũ” ra đời là 15 năm, “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê)” là 10 năm, vậy “Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám” của anh và cộng sự làm trong bao lâu?
- Trong khoảng 20 năm lại đây, tôi đã đồng thời tiến hành nghiên cứu những vấn đề khác nhau, cho ra mắt những cuốn sách về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đầu tiên là cuốn sách đồ án trang trí Mỹ thuật ở hai đền vua Đinh - vua Lê (2012); tiếp đến là Song xưa phố cũ (2013); Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (2017) và Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2018). Gần đây, cuốn Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội được hoàn thành năm 2019.
Đó là những cuốn sách viết chung trong những dự án cộng tác cùng một vài tác giả, hoặc viết riêng như Song xưa phố cũ.
Tôi học hỏi phương thức canh tác của người nông dân. Ông cha ta xưa thường trồng xen canh trong cùng một thời gian, thời vụ. Khi sắp thu hoạch loại cây này, họ trồng tiếp loại cây khác.
Vào tháng 12/2017, tôi hợp tác với kiến trúc sư (KTS) Trần Trung Hiếu trong triển lãm Lung linh sao khuê, giới thiệu gần 50 bức ảnh về vẻ đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám lúc về đêm.
Kể từ năm 2007, khi được giao nhận môn Nghiên cứu vốn cổ (sau này là Nghiên cứu Mỹ thuật cổ), tôi thường đưa sinh viên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam tới đây để đạc họa văn hoa họa tiết cổ truyền.
Năm 2008, tôi có bài viết nghiên cứu về bia ở Văn Miếu với tên Danh tính người khắc chữ trên bia đề danh tiến sĩ. Không ngờ 10 năm sau (2018), tôi cùng KTS Trần Trung Hiếu ra mắt cuốn sách Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
- Những hoa văn khắc trên bia đã bị phai mờ, thay đổi theo thời gian. Điều gì khiến anh gắn bó với một đề tài khó khăn như thế?
- Là người giảng dạy môn Nghiên cứu Mỹ thuật cổ nên trong hơn 10 năm lại đây, tôi khảo sát di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhiều nhất.
Tôi luôn nhớ cảm giác tiếc nuối khi tới 17h là thầy trò phải thu dọn giấy bút, bảng vẽ để di tích đóng cổng.
Dường như có một Văn Miếu khác khi chiều xuống, đêm về. Vẻ đẹp tĩnh lặng, trầm lắng, thâm sâu, trí tuệ của không gian thiêng nơi đây - vườn bia tiến sĩ, giếng Thiên Quang, Khuê Văn Các - mới hiển hiện ra lúc này.
Ý tưởng về một triển lãm ảnh chụp Văn Miếu lúc về đêm của chúng tôi nhanh chóng được TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - ủng hộ.
Kỹ thuật chụp bia trong đêm tối của KTS Trần Trung Hiếu đã phát lộ vẻ đẹp của hoa văn, thư pháp, kỹ thuật chạm khắc của các tấm bia tiến sĩ. Chính chúng tôi phải sững sờ, hết sức kinh ngạc về sự sống động của cỏ cây, hoa lá, chim muông qua những bức ảnh chụp về đêm này.
- Trong quá trình nghiên cứu, những áp lực cũng như khó khăn mà anh và tác giả Trần Trung Hiếu phải đối mặt là gì? Động lực nào giúp anh hoàn thành công trình?
- Trong quá trình thực hiện cuốn sách, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và TS Lê Xuân Kiêu đã nhiệt tình giúp đỡ.
Đương nhiên, chúng tôi cũng có những khó khăn khi thực hiện chụp ảnh, nhất là phải chụp về đêm. Do tích lũy tư liệu từ trước, tôi bắt tay vào viết cũng nhanh.
Nội dung viết khó nhất chính là phần “Dẫn nhập về nghiên cứu” đồ án. Phải mất nhiều thời gian mới vỡ ra chữ đồ án là mới du nhập từ phong trào Tân thư của Nhật Bản.
- Sau khi cuốn sách đã phát hành, điều khiến anh tâm đắc trong công trình này là gì?
- Điều chúng tôi vui nhất là khi sách nhận được sự đón nhận từ các gia đình, dòng họ có người từng đỗ đạt, được lưu danh trên bia tiến sĩ. Họ muốn chúng tôi giúp in ảnh tấm bia có kích thước lớn 1/1 để đặt trong các nhà thờ họ.
Muốn tích hợp công nghệ với sách
- Khi hoàn thành công trình với nhiều trăn trở, điều anh luyến tiếc và muốn làm tốt hơn nữa trong nghiên cứu là gì?
- Điều mong mỏi và những luyến tiếc của chúng tôi về cuốn sách cũng nhiều. Chẳng hạn, dù kỹ thuật in ấn, chất lượng hình ảnh đã rất tốt, chúng tôi muốn (đúng hơn là hy vọng) sự tích hợp sách với công nghệ hiện đại.
Chẳng hạn kết hợp với một ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Khi đưa điện thoại vào ảnh chụp mỗi bia, bia đó xuất hiện, có thể phóng to, thu nhỏ tùy ý để ngắm kỹ chi tiết chạm khắc hoặc văn tự.
Ứng dụng này sẽ vượt qua hạn chế in ấn. Mặc dù cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ NXB Mỹ thuật, do kinh phí có hạn, chúng tôi không thể tăng số lượng trang in và khổ sách.
Chúng tôi rất tâm đắc với mong muốn trao truyền những thông điệp lịch sử của tiền nhân trên 82 bia cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, cũng như lan tỏa vẻ đẹp của tâm hồn Việt đến bạn bè 5 châu.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế
Nhờ ứng dụng này, cuốn sách sẽ được cá nhân hóa theo sở thích, thị hiếu của người sử dụng. Ứng dụng công nghệ cũng sẽ giúp mở rộng nội dung, vượt qua giới hạn của loại hình sách in.
Cụ thể, nếu cuốn sách giấy Nét Việt trên văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 288 trang, nhưng với ứng dụng công nghệ, sách có thể tùy thuộc mức độ quan tâm của độc giả mà xuất hiện số lượng hình ảnh - những trang sách ảo. Cũng tùy mức độ quan tâm của độc giả, bia này xem nhiều, bia kia xem ít.
Do hạn chế về số lượng trang, cuốn sách hầu như lược bỏ toàn bộ nội dung các bài ký. Nếu theo hướng kết hợp công nghệ, phần nội dung này hoàn toàn được khắc phục. Thậm chí, nếu muốn nghe, sách chữ sẽ chuyển thành sách nói.
- Theo anh, bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thể hiện những nét văn hóa Việt nào?
- Chúng tôi dùng chữ “nét Việt” để nhấn mạnh giá trị nghệ thuật nhưng cũng là ngụ ý “nết Việt” trên bia tiến sĩ Thăng Long. Nết Việt không phải tự dưng mà có. Tôi tâm đắc với tài năng lắp ghép văn hóa (chữ của cụ Phan Ngọc).
Đừng nghĩ đơn giản bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sản phẩm của Nho học, Khổng giáo. Cả Nho, Lão, Phật và những giọt mồ hôi khó nhọc của thơ đá Kính Chủ, An Hoạch… đã làm nên pho sử bằng đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong những lần trò chuyện với TS Lê Xuân Kiêu, chúng tôi rất tâm đắc với mong muốn trao truyền những thông điệp lịch sử của tiền nhân trên 82 bia cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, cũng như lan tỏa vẻ đẹp của tâm hồn Việt đến bạn bè 5 châu.
Những đứt gãy văn hóa, cách biệt với thẩm mỹ cổ truyền khiến cho phần đông học sinh, sinh viên tới đây cốt để khấn vái, xoa đầu rùa. Như trong cuốn sách đã phân tích, rùa đặc biệt ở nhóm bia thời Lê Sơ, là những tượng rùa đẹp nhất Việt Nam.
Hình tượng này còn ẩn giấu niềm kiêu hãnh của kẻ sĩ Việt khi thấy mình trong vị thế gánh vác trọng trách văn hiến nước nhà, là bệ đỡ cho văn hóa dân tộc hay như lời của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup, Công ty Phú Long và HD Bank.