Hồn của Ngõ...

'…Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than…'. Tôi lớn lên khi con ngõ nhỏ nơi tôi ở đã hiện hữu ở đó từ bao giờ, nơi con sông Hồng cứ miệt mài chảy miết như không biết đến dấu thời gian. Tuổi thơ tôi bình lặng là thế, mà chỉ cần chạm khẽ tới thôi là lòng lại xốn xang. Hà Nội của tôi, ngõ nhỏ của tôi đẹp giản dị, đặc trưng và rất đỗi thân thương. Đó cũng là nơi tôi có thể tận hưởng giây phút sống thật chậm, chạy trốn sự nhộn nhịp, hiện đại của phố phường. Về đây, úp mặt vào nỗi nhớ, thấy tâm hồn mình cứ mãi tuổi đôi mươi.

Nếu có ai hỏi tôi rằng, Hà Nội có điều gì đặc biệt, thú vị mà đặc trưng đến vậy thì có lẽ chẳng cần suy nghĩ lâu, với tôi đó là sự tồn tại của những con ngõ nhỏ, sâu hun hút, vừa lạ vừa thân quen lại mộc mạc, giản dị đến khiêm nhường. Bên trong đó, từng khoảng không gian nhỏ nhưng cũng rất đỗi yên bình. Ngõ Hà Nội là vậy, có chật hẹp, có cũ kỹ rêu phong nhưng mang đậm nét riêng mà chỉ nơi này mới có. Đâu đó, những con ngõ vẫn còn tồn tại nếp sống, cái cốt cách thanh lịch của người Tràng An và lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến.

Ngõ Nhà Thờ là nơi để lại nhiều hoài niệm trong lòng người xa xứ, một địa điểm “sống ảo” của giới trẻ Hà Thành.

Ngõ Nhà Thờ là nơi để lại nhiều hoài niệm trong lòng người xa xứ, một địa điểm “sống ảo” của giới trẻ Hà Thành.

Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa một người đi lọt. Đôi khi muốn qua cần phải lách và nhường nhau. Phía sau từng bó dây điện chồng chéo, giăng mắc như mạng nhện lại là dấu hiệu của sự sống bên trong từng lối đi. Có những con ngõ giống như một đường hầm bí mật, thiếu ánh sáng, sâu hun hút, xung quanh là những căn nhà cũ kỹ xếp tầng, úa màu theo tháng năm. Nhìn bề ngoài, ngõ siêu nhỏ, có phần tối và chật hẹp, nếu không chú ý kỹ, sẽ khiến người ta lầm tưởng đó chỉ là khoảng ranh giới giữa hai ngôi nhà mà có đâu biết rằng, đằng sau đó là mảnh đời đang ngày đêm oằn mình với cuộc sống mưu sinh. Nhiều hộ gia đình cùng chung khoảng không gian chừng 10 mét vuông đã trở thành “đặc sản” của người dân phố cổ.

Bất kỳ góc phố nào của 36 phố phường Hà Nội cũng tồn tại ngõ. Và mỗi con ngõ lại có một sự thú vị khác nhau cũng như cất giữ cho mình một câu chuyện riêng.

Những ngày mệt nhọc, cô đơn, tôi thường về góc phố bình dị khi xưa để tìm cho mình một chỗ trốn và thấy lòng an yên đến lạ. Ở ngoài kia, mọi thứ có thể đã thay đổi, thì sau bao nhiêu năm, những con ngõ nhỏ nơi đây vẫn vậy, vẫn sự mộc mạc như nó vốn có, là một phần hơi thở của cuộc đời tôi.

Không chỉ có những con ngõ tĩnh lặng, phố cổ Hà Nội cũng không thiếu những con ngõ tuy nhỏ nhưng sầm uất, là nơi thu hút khách du lịch tìm đến, khám phá vẻ đẹp rất đặc trưng cũng như nền văn hóa, ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú của mảnh đất Hà thành. Ngõ cũng là nơi sinh sống lâu đời của nhiều hộ dân. Qua bao thế hệ, họ vẫn lựa chọn ở lại nơi đây và có trách nhiệm gìn giữ những điều quý giá không thể đặt tên này.

Bắt đầu từ Ngõ Nhà Thờ trong một lần tình cờ được đứa bạn rủ đi “trà chanh, chém gió”. Rồi dần dà, nơi đây trở thành địa điểm “check in” của chúng tôi tự lúc nào. Nằm trên phố đông người qua lại, con ngõ bình yên đến lạ. Đi sâu vào bên trong, từng cánh cửa nhà san sát nhau, lặng lẽ tồn tại, lặng lẽ đi qua tháng năm. Ngõ ở đây không quá dài nhưng khung cảnh thì rất đẹp. Ngồi một góc trong quán cafe khiêm nhường đối diện Nhà thờ, thưởng thức ly cà phê sữa nóng, trong không gian tĩnh lặng, ngắm dòng người ngược xuôi có cảm giác thời gian trôi đi thật chậm. Như một thói quen, người ta tìm về đây vì nhớ hương vị cà phê phố cũ trong một chiều thu hoa sữa thơm bay. Và hoài niệm về một thời đâu dễ đã lãng quên.

Dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Đôi khi, chỉ cần một chút an yên thế thôi để thấy lòng lắng lại.

Ngõ Chợ Đồng Xuân được coi là “Thiên đường” ẩm thực giữa lòng phố cổ.

Ngõ Chợ Đồng Xuân được coi là “Thiên đường” ẩm thực giữa lòng phố cổ.

Còn Ngõ Chợ Đồng Xuân nơi được mệnh danh “Thiên đường” ẩm thực giữa lòng phố cổ chỉ kéo dài gần 200m nhưng con ngõ này có thể coi là “siêu ngõ” ẩm thực bởi ngút ngàn các dãy hàng quán ăn trải dài hết ngõ. Ẩm thực Hà Nội giống như một cô gái đẹp bí ẩn mà người ta cần tìm hiểu, muốn khám phá. Trong vô vàn những con ngõ ăn uống, có khi cứ tưởng đã đi hết 36 phố phường, ăn hết biết bao nhiêu món ngon rồi, vậy mà đến đây, tôi có cảm giác như lần đầu được thưởng thức nhiều thứ hay ho và lạ đến vậy.Kể sơ qua những món mà suốt tuổi thanh xuân tôi và những đứa bạn từng ngồi mòn ghế ở đây: Bún chả que tre thơm nức mũi, bánh tôm cuộn, bánh xèo vàng rộm béo ngậy, bún đậu mắm tôm, bún ốc, bún nem cua bể, bánh bột lọc, nem lụi, hủ tiếu, bánh rán, các loại chè... Món ăn ở đây vô cùng đa dạng. Nhắc đến là cả miền ký ức lại ùa về.

Phần lớn những món ăn đại diện cho ẩm thực Hà Nội đều có thể tìm thấy trên con ngõ này.

Ở Ngõ Gạch lại giống như đường đi của bàn cờ vua vậy. Nhiều khi ẩn mình ghê lắm, nép ở tận đẩu tận đâu, vậy mà lại có bao nhiều điều thú vị. Ngõ Gạch là một trong những con ngõ cổ nhất ở Hà Nội. Cùng tên ngõ nhưng Ngõ Gạch lại lớn hơn nhiều so với những con ngõ khác. Phố Ngõ Gạch chỉ dài khoảng 130m, phía đông giáp ngã tư Hàng Giầy và nối với phố Nguyễn Văn Siêu, phía tây giáp ngã tư Hàng Đường và nối với phố Hàng Cá.

Ngõ Gạch vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng của mảnh đất Kinh Kỳ.

Ngõ Gạch vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng của mảnh đất Kinh Kỳ.

Ngõ Gạch cùng với phố Nguyễn Siêu nguyên là lòng sông Tô Lịch cũ, bị lấp. Tại đây có những hàng bán vật liệu xây dựng như vôi, gạch, theo đó mà thành tên. Theo thời gian, những hàng bán vật liệu xây dựng cũng dần ít đi, nhường chỗ cho những hàng quán ăn nhanh dành cho khách du lịch. Bún đậu Ngõ Gạch là một địa chỉ không còn xa lạ với những người mê bún đậu. Không quá đông khách và chật chội như Hàng Khay, Ngõ Tràng Tiền, Đông Thái... nhưng bún đậu ở đây lúc nào cũng đều đều khách. Đặc biệt, ai đã từng đến đây uống cafe mà chưa thưởng thức món Mỳ tim bầu dục của ông chủ quán cafe trên phố Ngõ Gạch thì quả thật là một điều đáng tiếc. Đó cũng một trong những món ngon của con phố nhỏ này.

Như bao con ngõ khác của Hà Nội, Ngõ Huyện vẫn bình dị như chưa từng có sự hiện hữu của nền kinh tế thị trường với nhịp sống hiện đại.

Như bao con ngõ khác của Hà Nội, Ngõ Huyện vẫn bình dị như chưa từng có sự hiện hữu của nền kinh tế thị trường với nhịp sống hiện đại.

Ngõ Huyện, cách đây chừng 5, 6 năm, tôi trở về sau một chuyến công tác xa nhà. Hà Nội đón tôi bằng cơn mưa phùn lất phất đầu đông. Cái tiết trời se se, lành lạnh làm cho tôi có cảm giác thèm một bát cháo nóng đến lạ. Gặp lại đứa bạn thân từ thời mẫu giáo - cái đứa bạn mà chỉ cần nhìn vào mắt thôi là nó hiểu tôi muốn gì. Và món cháo sườn Ngõ Huyện, lần đầu tiên tôi được ăn cũng là món cháo tôi nhớ nhất cho đến giờ. Cháo sườn Ngõ Huyện thì từ lâu đã nổi tiếng và quen thuộc với người ở Hà Nội, quán không có một cửa hàng cố định, chỉ bán cạnh đầu ngõ Huyện mà bao giờ cũng đông người tới ăn, có hai hàng ghế ven đường để khách ngồi. Quán bán cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng đông khách, gặp trời mưa thì phải vừa đứng vừa ăn. Cháo mịn và thơm, sụn mềm, sần sật rất vừa miệng, cô chủ quán thì thân thiện và nhiệt tình, nhẹ nhàng như bản chất con người Hà Nội vốn dĩ vậy.

Đây cũng là ngõ rất nổi tiếng với nhiều món ăn vặt, thường đông từ chiều đến đêm. Là nơi hấp dẫn khách du lịch với nhiều khách sạn lớn nhỏ, quán bar, spa làm đẹp...

Nhộn nhịp là thế, đông đúc là thế, Ngõ Huyện hiện vẫn còn một số ngôi nhà cổ, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn bình dị như chưa từng có sự hiện hữu của nền kinh tế thị trường với nhịp sống hiện đại.

Không còn sự yên ắng như xưa, nhưng người dân sống trong con ngõ Tạm Thương bao đời nay vẫn vậy, vẫn giữ cho mình sự lịch thiệp, bình dị của cốt cách người Tràng An.

Không còn sự yên ắng như xưa, nhưng người dân sống trong con ngõ Tạm Thương bao đời nay vẫn vậy, vẫn giữ cho mình sự lịch thiệp, bình dị của cốt cách người Tràng An.

Cuối cùng là ngõ Tạm Thương nơi mà người dân hay nói, thương một đời, đâu phải Tạm Thương. “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”, đó là câu dân gian truyền miệng của người dân phố cổ khi nhắc đến con ngõ lâu đời này. Có những địa danh mà chỉ mới nghe tên thôi đã chạm vào cảm xúc. Ngõ Tạm Thương là một cái tên như vậy. Nhà thơ Chế Lan Viên khi qua đây đã không đành lòng bước: “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/Thương một đời đâu phải Tạm Thương!”

Từ Hàng Bông nhộn nhịp, rẽ vào ngõ Tạm Thương sẽ cho ta có cảm giác như bước vào một thế giới khác. Không gian chật hẹp, những âm thanh ồn ào của phố thị dường như được bỏ lại sau lưng. Con ngõ nhỏ mang tên Tạm Thương từng nổi danh vì có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và tích truyền miệng về chuyện tình của mấy người lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay... thương người. Ngõ chỉ kéo dài chừng 800m, nhưng ở đây như một thế giới thu nhỏ, có tất cả mọi thứ để phục vụ cuộc sống thường ngày của người dân.

Khi Thủ đô khoác lên mình diện mạo mới, con ngõ đã trở nên sầm uất, những căn nhà cao tầng, khang trang mọc san sát nhau, các cửa hàng buôn bán với đầy đủ các loại hàng hóa. Đặc biệt nơi đây nổi tiếng là món nem rán thơm ngon, béo ngậy hấp dẫn dành cho những tín đồ ăn vặt. Tạm Thương được biết đến như một điểm ẩm thực hấp dẫn về đêm nổi tiếng lâu đời gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hà Nội. Tuy vậy, nơi đây vẫn giữ riêng cho mình những nét hoài cổ đặc sắc. Đó là chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi, ngôi đền Yên Thái - nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan hay truyền thống treo cờ cổ truyền của người dân.

Trong con mắt của người Hà Nội, Tạm Thương vẫn bình dị, là một nét chấm phá tạo nên bức tranh đa sắc trên mảnh đất Kinh Kỳ.

Ngõ nhỏ Hà Nội một ngày thu. Tranh Phạm Ánh.

Ngõ nhỏ Hà Nội một ngày thu. Tranh Phạm Ánh.

Để nói về những con ngõ ở Hà Nội thì chắc chẳng bao giờ hết được, người ta nhớ về Hà Nội bởi những điều giản dị, thân quen ở từng con ngõ, góc phố. Bởi ngõ, ngách nào ở đây cũng chứa một câu chuyện của riêng mình. Ngõ nhỏ Hà Nội có chật hẹp, nhỏ bé và đôi khi gây khó khăn trong sinh hoạt nhưng luôn mang đậm những nét đặc trưng mà chỉ riêng ở mảnh đất Kinh Kỳ này mới thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nhất. Những con ngõ lưu giữ, tồn tại nhịp sống văn hóa của người dân chẳng thể nào thay đổi, phá bỏ hay chìm vào quên lãng.

Có ai đó đã từng nói, mỗi con ngõ nhỏ ở Hà Nội cũng như một thế giới, ở đó có đầy đủ các hoạt động, các mối quan hệ diễn ra. Ngõ Hà Nội là vậy, có chật hẹp, có cũ kỹ, có những góc cạnh nhưng hết sức đặc trưng mà chỉ riêng nơi này mới có. Nó vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử, là nét văn hóa mà có lẽ chẳng thể nào thay đổi của những người Hà Nội mang tâm hồn xưa cũ.

Bài: Song Thu - Ảnh: Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-cua-ngo-97656.html