Hơn hai mươi năm bền bỉ gánh vác công tác xã hội
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Đức Hạnh sinh năm 1939, nhập ngũ năm 1959. Năm 1997 tuy nghỉ hưu nhưng từ đó đến nay ông không nghỉ việc mà liên tục tham gia các công tác xã hội ở tỉnh Thái Bình.
Hơn 80 tuổi, ông Hạnh vẫn năng nổ trong công việc Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào và là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tỉnh Thái Bình.
Năm 2004, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chọn Thái Bình-một trong các tỉnh có tỷ lệ nạn nhân chất độc da cam so với dân số cao nhất nước, để thành lập VAVA cấp tỉnh trước, rút kinh nghiệm. Bầu cán bộ tỉnh hội, ông Nguyễn Đức Hạnh được cấp ủy, chính quyền và các hội viên tín nhiệm cử làm Chủ tịch VAVA của tỉnh. Nhận trách nhiệm là chủ tịch hội, ông luôn trăn trở với công việc này, vì đồng nghĩa với việc gánh trên vai ngàn cân trong thực hiện nguyên tắc “tự thành lập, tự lo trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Khi thành lập, cơ quan VAVA tỉnh Thái Bình chưa có nơi làm việc và thiếu trang thiết bị cần thiết, kể cả nhân viên văn thư đánh máy... nhưng trong “cái khó đã ló cái khôn”, ông Hạnh cùng lãnh đạo Tỉnh hội nghiên cứu, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cùng “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”; bắt đầu từ việc chăm lo xây dựng tổ chức đến tuyên truyền vận động nạn nhân chất độc da cam và các tầng lớp nhân dân tham gia. Đến năm 2007, các cấp hội (từ tỉnh đến cơ sở) cơ bản được thành lập, từng bước hoạt động nền nếp, thiết thực, hiệu quả. Ông tâm sự: “Sau bao năm chiến đấu và làm nhiệm vụ trong quân đội, được nghỉ ngơi nhưng nhìn thấy đồng đội và con cháu họ hằng ngày phải chịu nỗi đau của bệnh tật, nghèo khổ, nhất là nạn nhân chất độc da cam mà đau nhói trong lòng". Ông luôn đau đáu lời nhắc nhớ của cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, người đau khổ nhất trong số những người đau khổ”. Đồng thời, qua khảo sát được biết tỉnh Thái Bình có tới 34.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, ông không thể yên lòng mà nghỉ ngơi. Mặc dù tuổi ngày càng cao và sức khỏe hạn chế, nhiều năm qua ông luôn cố gắng không ngừng nghỉ làm theo lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm”.
Ông cùng tập thể lãnh đạo hội các cấp tổ chức thực hiện tốt Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” gắn với chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân da cam. Vừa xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vừa đưa các hoạt động VAVA các cấp từ tỉnh đến cơ sở đi dần vào nền nếp, thiết thực, hiệu quả, trở thành Hội VAVA cấp tỉnh trong tốp dẫn đầu cả nước về mọi mặt. Đến nay, VAVA tỉnh Thái Bình có mạng lưới tổ chức hội phủ khắp 8 huyện, thành phố; 286 xã, phường, thị trấn; 1.983 thôn, tổ dân phố; vận động hơn 22.000 người gia nhập hội trong tổng số hơn 34.000 nạn nhân. Tại Đại hội lần thứ III VAVA tỉnh, Hội được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Điều lệ, xác định là hội 3 cấp và tiếp tục đề ra các chủ trương, biện pháp thiết thực để hoạt động. Đồng thời, động viên cán bộ hội luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc da cam; tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực, hiệu quả.
16 năm qua, với cương vị Chủ tịch Hội VAVA của tỉnh Thái Bình, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh đã cùng lãnh đạo hội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh; tổ chức ký kết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện xã hội hóa chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Nhiều lần lăn lộn đi các tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm, từ việc vận động các doanh nghiệp, tập thể và nhà hảo tâm đến phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đồng hành chăm lo giúp đỡ nạn nhân, ông cùng tập thể lãnh đạo các cấp hội trong tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, Tỉnh hội đã hỗ trợ hơn 410 gia đình nạn nhân da cam xây dựng hoặc sửa nhà; trợ cấp, tặng quà hơn 20.000 lượt nạn nhân; cấp 500 xe lăn, xe lắc, ghế bại não, hàng trăm máy trợ thính và máy bơm nước; khám, cấp hơn 60.000 thang thuốc Bắc và hơn 4.000 gia đình được cấp thuốc miễn phí; tặng hơn 200 quạt điện, 120 giường nằm, hàng nghìn chăn, quần áo ấm... Khám, phẫu thuật chỉnh hình cho hàng trăm cháu và đưa hàng trăm cựu chiến binh nạn nhân da cam đi phục hồi chức năng; tổ chức dạy và giới thiệu việc làm cho gần 500 con cháu của nạn nhân; trợ cấp khó khăn, tặng quà gần 100.000 lượt nạn nhân; tẩy độc cho 3.000 người.
Tỉnh hội đã xây dựng được trụ sở làm việc kết hợp làm trung tâm dạy nghề, thường xuyên dạy nghề từ 20 đến 30 cháu. Mỗi tháng trung tâm tẩy độc cho 30-40 lượt nạn nhân; có nhà ăn ở đầy đủ tiện nghi; có 1 xe ô tô 4 chỗ, 1 xe 12 chỗ, 5 máy vi tính văn phòng và nhiều phương tiện bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân và cán bộ, nhân viên cơ quan. Dần dần xây dựng VAVA của tỉnh có nguồn tài chính thường xuyên bảo đảm hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Ông Nguyễn Đức Hạnh tự hào cho biết: Từ hai bàn tay trắng, sau 5 lần chuyển dời, nay VAVA của tỉnh đã có trụ sở làm việc khang trang với 3 trung tâm, trong đó có trung tâm tẩy độc đầu tiên của cả nước phục vụ hơn 1.000 CCB nạn nhân da cam để cải thiện sức khỏe. Đồng thời, trung tâm còn chuyển giao chuyên môn tẩy độc cho cán bộ, y sĩ, bác sĩ của cơ quan Trung ương VAVA và các tỉnh bạn, góp phần từng bước hình thành hệ thống tẩy độc cho nạn nhân da cam cả nước.
Kiên trì chăm lo xây dựng hội ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, VAVA của tỉnh Thái Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Trung ương Hội và UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Ông Nguyễn Văn Hạnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen. Nói về những kết quả gần 20 năm phấn đấu xây dựng VAVA của tỉnh, ông Hạnh bảo, phần thưởng lớn nhất đối với ông và ban lãnh đạo là được Trung ương Hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng, yêu mến và góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Ông Nguyễn Đức Hạnh nhớ lại: Năm 1960, ông được đơn vị cử tham gia lực lượng quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Hơn 10 năm “nằm vùng”, ông và đồng đội đồng cam cộng khổ, “bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa”, cùng nhân dân các bộ tộc Lào và LLVT nhân dân Lào sống chết có nhau, liên minh chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc ở Sầm Nưa, Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, Phu Cút, Phu Noong, Na Pheng, Hủa Na, Na Tàn... Đặc biệt là những năm tháng hoạt động trong lòng địch, xây dựng khu căn cứ, hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp của địch, chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ, phát triển phong trào cách mạng ở Viêng Chăn và các khu vực lân cận. Năm 1968, ông Nguyễn Văn Hạnh (tên Lào là Vixay Vanchalon) được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala hạng Nhất.
Năm 1978, ông về công tác quân sự địa phương từ huyện đến tỉnh Thái Bình, là đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu Quốc hội khóa VIII. Từ năm 1997 đến nay, hơn 23 năm nghỉ hưu nhưng ông không nghỉ việc mà tham gia công tác Hội CCB, Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào và VAVA tỉnh Thái Bình, nhiệm vụ nào Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh cũng hoàn thành tốt. Ông đã cùng lãnh đạo tích cực tham gia xây dựng các tổ chức hội vững mạnh, hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Thái Bình lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa qua, ông được tái cử chức Chủ tịch với sự tín nhiệm cao. Lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào và tỉnh Thái Bình đánh giá cao kết quả các hoạt động xây dựng hội, công tác đối ngoại nhân dân, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào và chăm lo bảo đảm chế độ, chính sách đối với cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào. Tỉnh hội Thái Bình là một trong các tỉnh dẫn đầu, được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào và UBND tỉnh ghi nhận, tặng nhiều bằng khen.