Hỗn loạn hậu bầu cử tổng thống Mỹ là nỗi sợ bị thổi phồng
Nhiều cử tri Mỹ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn sau ngày bầu cử tổng thống 3/11, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là kịch bản bị thổi phồng.
Những ngày qua, Hạ nghị sĩ Mark Pocan mất nhiều thời gian trò chuyện với các cử tri trong khu vực mà ông đại diện ở Madison, bang Wisconsin.
Giống như nhiều khu vực khác trên nước Mỹ, cử tri tại Wisconsin sợ hãi trước viễn cảnh, bằng một cách nào đó, Tổng thống Trump có thể "đánh cắp" cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 3/11.
"Tôi nhận được câu hỏi này mỗi ngày theo nghĩa đen. Họ hoang mang và hỏi về đủ mọi vấn đề kiện tụng liên quan tới bầu cử, hay thời hạn bỏ phiếu. Mọi người lo lắng bởi họ nghĩ tổng thống sẽ tìm mọi cách bám víu quyền lực", ông Pocan nói, theo Times.
Ít khả năng xảy ra hỗn loạn
Theo kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 9 bởi Yahoo News và YouGov, chỉ 22% người Mỹ tin kỳ bầu cử năm nay là "tự do và công bằng", trong khi 46% người được hỏi có quan điểm trái ngược.
Tâm lý lo ngại phổ biến về tính công bằng của cuộc bầu cử là có thể hiểu được. Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố gian lận có thể xuất hiện trong cuộc bầu cử, đồng thời từ chối cam kết chuyển giao quyền lực trong êm thấm nếu thất cử.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi các thủ tục bỏ phiếu. Bầu không khí chính trị tại Mỹ hiện hướng sự tập trung vào cơ chế vận hành của hệ thống bầu cử bị đánh giá là quá tải và thiếu sự đầu tư.
"Sẽ là ngây thơ nếu dự đoán rằng không có sai xót nào xảy ra", Times bình luận.
Đối với nhiều người dân, những lo ngại đã dần biến thành nỗi khiếp sợ trước kịch bản hỗn loạn xảy ra sau bầu cử, khiến cho cuộc khủng hoảng kiểm phiếu năm 2000 ở Florida chỉ như một cuộc "dạo chơi trong công viên".
Thế nhưng, các chuyên gia nhận định ít có khả năng khủng hoảng hậu bầu cử sẽ xảy ra. Có những kịch bản tồi tệ, nhưng khả năng chúng xảy ra không cao. Dù vậy, hành động của Tổng thống Trump khiến những kịch bản như thế trở nên hiện thực hơn so với thực tế.
Benjamin Ginsberg, đại diện Ủy bang Quốc gia đảng Cộng hòa trong cuộc kiểm phiếu lại năm 2000 cho rằng "sự hoảng loạn đang bị thổi phồng quá mức".
Khó có kết quả sát nút
Một trong những kịch bản xấu nhất đang được nhắc đến là không có kết quả thắng - thua rõ ràng trong đêm bầu cử.
Nhiều tiểu bang được dự đoán sẽ "ngập" trong số phiếu bỏ qua bưu điện và phiếu bỏ vắng mặt, hiện đã lớn hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước đây.
Những lá phiếu như vậy đòi hỏi quy trình xé bỏ phong bì, lập bảng tính số liệu, kiểm tra chữ ký và các yêu cầu kỹ thuật khác trước khi được công nhận. Điều này đồng nghĩa sẽ tốn nhiều thời gian để kiểm phiếu hơn so với bỏ phiếu trực tiếp.
Thăm dò dư luận cho thấy việc Tổng thống Trump hoài nghi phiếu bầu qua bưu điện dẫn tới sự khác biệt lớn về phương thức bỏ phiếu của cử tri hai đảng. Cử tri Cộng hòa có xu hướng trực tiếp bỏ phiếu trong ngày bầu cử hơn, trong khi cử tri Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua bưu điện.
Nếu thời gian công bố kết quả bầu cử bị kéo dài, Tổng thống Trump có khả năng tuyên bố việc số phiếu bầu cho đảng Dân chủ tăng vọt trong những ngày hậu bầu cử, xuất phát từ phiếu bầu qua bưu điện, là dấu hiệu của sự gian lận.
Ba tiểu bang nhiều khả năng xảy ra kịch bản nêu trên gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Đây là các bang chiến trường trọng yếu, tranh cãi về việc mở rộng hệ thống bỏ phiếu ở các bang này diễn ra gay gắt những ngày qua. Nhiều vụ kiện liên quan tới thủ tục bầu cử đã diễn ra ở các tòa án cấp tiểu bang và liên bang.
Ba bang đều có các thống đốc phe Dân chủ, trong khi cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Tại cả ba bang, việc xử lý và kiểm phiếu trước khi hạn chót bỏ phiếu kết thúc đều bị giới hạn.
Mặc dù vậy, khả năng việc công bố kết quả chậm trễ dẫn tới tranh cãi chỉ có thể xảy ra nếu chênh lệch số phiếu giữa hai ứng viên là cực kỳ nhỏ, và toàn bộ cuộc bầu cử phụ thuộc vào kết quả ở 3 bang chiến trường.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy không có sự cạnh tranh quá gay gắt giữa hai ứng viên ở các bang này, hay thậm chí trên phạm vi toàn quốc.
So với năm 2016, kết quả thăm dò dư luận năm nay cho thấy có sự ổn định hơn, cũng như số cử tri chưa quyết định nhỏ hơn nhiều.
Các bang kiểm phiếu nhanh hơn như Florida và Arizona, với khả năng xử lý lượng lớn phiếu bầu qua bưu điện, có thể định đoạt toàn bộ cuộc bầu cử. Như vậy, sự chậm trễ ở các bang chiến trường sẽ không còn là vấn đề.
Kịch bản tồi tệ nhất
Kịch bản tồi tệ nhất là cuộc bầu cử chưa có kết quả rõ ràng sau nhiều tuần. Lúc này, Tổng thống Trump có thể sử dụng các vụ kiện thách thức tính trung thực của quá trình kiểm phiếu, cáo buộc đối thủ gian lận, đồng thời thuyết phục các đại cử tri rằng phe Dân chủ dàn xếp điều mờ ám ở hậu trường.
Nếu giới truyền thông và các nhà phân tích độc lập dự đoán ông Biden giành chiến thắng, ông Trump có thể phản ứng bằng cách gọi đây là cuộc đảo chính của truyền thông cánh tả và từ chối nhượng bộ. Truyền thông cánh hữu, chính giới Cộng hòa, hay thậm chí Bộ Tư pháp Mỹ, đứng sau Tổng thống Trump.
Ngay cả trong kịch bản này, các chuyên gia nhấn mạnh Tổng thống Trumo không có thẩm quyền can thiệp hay phá vỡ các thủ tục bỏ phiếu quốc gia.
Tại Mỹ, các cuộc bầu cử được điều hành bởi quan chức tiểu bang và địa phương tại hàng nghìn khu vực pháp lý, đa phần là những chuyên gia giàu kinh nghiệm và liêm chính.
Luật pháp Mỹ có những quy trình phù hợp để xử lý các tranh cãi hay tình huống bất thường. Ví dụ, ứng viên không thể yêu cầu kiểm phiếu lại trừ khi kết quả kiểm phiếu nằm trong biên độ theo quy định, biên độ này thay đổi tùy các bang.
"Bản thân các ứng viên gần như không có vai trò gì trong quy trình kiểm phiếu. Một số người có thể đe dọa sẽ làm gì hoặc không làm gì, nhưng thực tế là các ứng viên không có quyền quyết định kết quả bầu cử. Các cử tri cần hiểu, dù hệ thống bầu cử của chúng ta có nhiều điểm phức tạp, nhưng các ứng viên không thể muốn làm gì thì làm", Vanita Gupta, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Barack Obama, cho biết.
Việc Tổng thống Trump, trong trường hợp thất cử, có chấp nhận lùi bước hay không cũng không ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử. Ông Trump, hay bất cứ ứng viên nào, không thể tùy tiện đưa kết quả bầu cử lên Tòa án Tối cao như ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố.
Luật pháp Mỹ có quy trình pháp lý riêng về việc đưa kết quả bỏ phiếu ra Tòa án Tối cao. Vụ việc được Tòa án Tối cao Mỹ giải quyết trong cuộc bầu cử năm 2000 chỉ có phạm vi hẹp, liên quan tới một tình huống cụ thể ở một khu vực bỏ phiếu cụ thể, theo ông Joshua Geltzer, giám đốc điều hành Viện Thúc đẩy và bảo vệ Hiến pháp, Đại học Georgetown.
Lá phiếu không thể bị làm ngơ
Một số người lo ngại kịch bản, sau nhiều tuần chưa có kết quả bỏ phiếu rõ ràng, các bang sẽ điền tên đại diện vào Đại cử tri Đoàn. Điều này có thể tạo cơ hội cho cơ quan lập pháp các bang do đảng Cộng hòa chiếm đa số phớt lờ kết quả bỏ phiếu phổ thông để đưa vào Đại cử tri Đoàn các đại diện của đảng mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra Đạo luật kiểm phiếu năm 1887 sẽ ngăn chặn kịch bản phiếu phổ thông của cử tri các bang bị phớt lờ.
"Họ (phe Cộng hòa) có thể thử, nhưng tôi không tin nỗ lực đó sẽ thành công. Rõ ràng đó là hành động trái với pháp luật liên bang, và gần như chắc chắn đi ngược lại quyền hiến định của cử tri", Adav Noti, chuyên gia về bầu cử từ Campaign Legal Center, đánh giá.
Hiện thực diễn ra vài năm qua khiến nhiều người Mỹ lo sợ vào những điều ít có khả năng xảy ra. Nỗi sợ hãi này làm xói mòn lòng tin của cử tri vào giá trị lá phiếu của họ.
"Việc thổi phồng những khả năng ít có khả năng thành sự thật sẽ tạo ra một vấn đề rất thực tế, rằng người dân không còn niềm tin vào hệ thống cho phép họ lựa chọn người lãnh đạo, điều này cực kỳ có hại", ông Ginsberg nói.