Hón Lối chờ du khách đến thưởng ngoạn

Với nhiều hệ thống thác nước kỳ vĩ và nguyên sơ, xã Giao Thiện (Lang Chánh) là địa phương có nhiều con thác mà chỉ có dân bản địa biết tới, như: thác Khua luống; thác Hai mươi sải; thác Chim Phượng hoàng, thác Ngã ba Hón Lối, thác Cây dổi, thác Suổi tăm, thác Đeo dây, thác Húng... Riêng thác Hón Lối dù đã được công nhận Di tích danh lam, thắng cảnh năm 2018 song đến nay vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng chờ đợi được đánh thức.

Thác Hón Lối (xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh) tung bọt trắng xóa hấp dẫn du khách trong ngày hè.

Thác Hón Lối (xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh) tung bọt trắng xóa hấp dẫn du khách trong ngày hè.

Từ thị trấn Lang Chánh, di chuyển chừng 18km vào thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện, theo sự chỉ dẫn của người dân chúng tôi đến được thác Hón Lối. Tên Hón Lối xuất phát là bởi nơi này có suối Lối đổ từ thôn Húng về thôn Chiềng Lằn. Theo người dân bản địa dòng thác trong lòng suối Lối có nghĩa là “soi đường chỉ lối”. Người dân vào rừng chặt củi, hái măng, hay mò cua, bắt ốc, đánh chài bắt cá trong lòng suối, chỉ cần men theo dòng suối là ra đến bản. Toàn bộ thác gồm 3 ngọn thác chính, ngọn cao nhất khoảng 10m, thấp nhất là 4,5m. Hai bên bờ suối là nhiều loài cổ thụ cao vút và những hòn đá cuội to bằng phẳng hàng trăm tấn, xếp chồng lên nhau. Nếu ví dòng nước từ cao đổ xuống như những dải lụa trắng mềm mại, uốn lượn thì những phiến đá sừng sững khiến mọi người có thể tưởng tượng ra đủ nhiều hình ảnh. Khung cảnh càng thơ mộng hơn bởi dọc thác Hón Lối là rất nhiều vũng tắm, bên cạnh rừng nguyên sinh với thảm thực vật, động vật phong phú, mướt mát và dễ chịu.

Bí thư chi bộ thôn Chiềng Lằn, anh Lê Phi Nhất, giới thiệu: Trên dãy Pù Rinh này, còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhiều tên gọi làng, bản là do Lê Lợi đặt, như: Huối Láu, Huối Vớ, vườn cam trên dãy Pù Rinh, làng Chiềng Lằn, làng Húng, hang Lòn nơi Lê Lợi từng trú ẩn, giấu binh... Thác Hón Lối gắn liền với tích chuyện Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Truyền thuyết kể về chủ tướng Lê Lợi cùng với nghĩa quân đến địa phận làng Chiềng Lằn thì dừng chân nghỉ tại một con suối. Lúc đó, cả tướng lĩnh và binh sĩ đã mệt nhưng chỉ có một vò rượu trong khi nghĩa quân thì đông. Chủ tướng Lê Lợi đã cho người lên thượng nguồn đổ rượu xuống “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để các tướng lĩnh và binh sĩ cùng uống. Ngoài ra, các địa danh đền Tên Púa; chứng tích bãi đá ở làng Chiềng Lằn, suối Láu... đều gắn liền với tên tuổi của Lê Lợi.

Những năm gần đây, thác Hón Lối là địa chỉ “tò mò” của những người yêu thích du lịch sinh thái. Đến đây, du khách không chỉ tận mắt sự hùng vĩ của núi non, sự dịu dàng của nhiều loài lan rừng cùng những măng nứa, măng giang, măng đắng... mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của người Thái, người Mường, như: cơm lam, cá nướng, ốc lam, cùng hương vị khó quên của rượu mang tên “đầu sóng, ngọn gió”, giao lưu với các cô gái Thái, Mường trong làn điệu khặp, điệu xường.

Anh Lê Phi Nhất cho biết thêm: Thôn hiện có 196 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Đời sống khó khăn, chủ yếu là làm nông lâm nghiệp. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là huyện Lang Chánh và các ngành chức năng sớm thi công con đường giao thông đến khu di tích danh lam thắng cảnh thác Hón Lối để người dân thuận tiện đi lại, từ đó có cơ hội khai thác du lịch.

Bà Đinh Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện khẳng định: Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của di tích danh lam thắng cảnh thác Hón Lối, xã Giao Thiện đang tích cực tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, con người Giao Thiện để du khách biết tới tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Trong đề án phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, huyện Lang Chánh sẽ phối hợp liên kết các điểm di tích, cảnh quan thiên nhiên như chùa Mèo (xã Quang Hiến), thác Ma Hao (xã Năng Cát) cùng với thác Hón Lối (xã Giao Thiện) hình thành các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá.

Hón Lối giờ đây không khác gì nàng công chúa, cần một chàng hoàng tử băng rừng, xẻ núi đến đánh thức, như người dân cần một con đường để an toàn và mời gọi du khách đến đây.

Bài và ảnh: PCĐ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hon-loi-cho-du-khach-den-thuong-ngoan-37259.htm