Hơn một nửa dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2025
Hơn 1 tỷ người đã có quyền truy cập vào các kết nối mạng 5G trong năm 2020 và con số đó sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2022.
Hơn 1 tỷ người đã có quyền truy cập vào các kết nối mạng 5G trong năm 2020 và con số đó sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2022.
Theo phân tích của công ty so sánh và đánh giá tài chính Bankr, trong bốn năm tới, khoảng 4,1 tỷ người trên toàn cầu sẽ được tiếp cận với công nghệ mạng 5G và đạt mức tăng trưởng 254% vào năm 2025.
Bankr đã sử dụng cơ sở dữ liệu từ các trạm vô tuyến của Ericsson kết hợp với phạm vi phủ sóng ước tính trên mỗi trạm cho từng loại mật độ dân số. Vào năm 2020, khoảng 1,17 tỷ người đã có quyền truy cập vào 5G, tức là khoảng 15% dân số. Bankr ước tính rằng con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2022, với 2,5 tỷ người được tiếp cận. Đến năm 2025, 4,41 tỷ người sẽ có thể sử dụng dịch vụ 5G, chiếm 53% dân số thế giới.
Các nhà phân tích lưu ý rằng một số khu vực ở châu Á, Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy việc mở rộng dịch vụ 5G. Hiện, châu Á đang dẫn đầu trong cuộc đua, trong khi Mỹ đang phát triển các chính sách để bảo đảm rằng khoảng cách kỹ thuật số không quá xa vời khi 5G được mở rộng.
Công ty nghiên cứu thị trường Forrester dự đoán rằng, các mạng viễn thông lớn tại thị trường Mỹ sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu mạng 5G, trong khi đó, các mạng 5G riêng do các nhà sản xuất như Ericsson, Huawei hay Nokia phát triển sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Vào năm 2021, Forrester dự đoán, mạng 5G tư nhân sẽ được sử dụng để tự động hóa các nhà máy, cộng nghệ AR/VR để kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, giám sát từ xa, bảo trì và an toàn cho nhân viên.
Hiện nay, việc triển khai cài đặt 5G đang bị chậm lại là do tác động của đại dịch Covid-19. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner dự đoán rằng, các khoản đầu tư vào 5G sẽ phục hồi trong năm 2021 và việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G sẽ vượt xa so với mạng LTE/4G vào năm 2022. Kosei Takiishi, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông sẽ dần bổ sung những khả năng độc lập cho các mạng 5G không độc lập và đến năm 2023, 15% nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới sẽ vận hành các mạng 5G độc lập mà không dựa vào cơ sở hạ tầng mạng 4G.
Bên cạnh đó, trong một báo cáo chỉ ra những điểm yếu có thể xảy ra đối với 5G, các nhà nghiên cứu đã phân tích tính bảo mật của kiến trúc mạng, sự tương tác của các phần tử mạng cũng như quy trình đăng ký và xác thực thuê bao. Công ty an ninh mạng toàn cầu Positive Technologies đã xác định một số lỗ hổng tiềm ẩn trong các mạng 5G độc lập có thể dẫn đến việc khách hàng bị tấn công từ chối dịch vụ.
Các nhà bảo mật khuyến cáo rằng, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch tăng chi tiêu bảo mật cho các dịch vụ 5G trong năm 2021. Một báo cáo an ninh mạng của nhà mạng AT&T cho thấy, khoảng 83% cuộc tấn công ứng dụng dựa trên nền web sẽ là một thách thức khi triển khai 5G. Báo cáo cũng liệt kê dữ liệu được truy cập bởi các thiết bị đầu cuối di động, nhu cầu về những chính sách bảo mật cụ thể hơn và khả năng bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cao hơn như những lo ngại về bảo mật 5G khác.