Hơn một nửa doanh nghiệp Việt hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững

Hơn một nửa doanh nghiệp Việt đã thực hiện các hoạt động cam kết phát triển bền vững, 73% lãnh đạo doanh nghiệp coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.

96% doanh nghiệp Việt Nam quen với quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Schneider Electric mới đây đã công bố kết quả khảo sát của Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” năm 2024 của thị trường Việt Nam, chia sẻ những kết quả khảo sát đáng lưu ý và kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp Việt trong quá trình thúc đẩy phát triển bền vững.

Hơn một nửa doanh nghiệp Việt đã thực hiện các hoạt động cam kết phát triển bền vững, 73% lãnh đạo doanh nghiệp coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: TT

Hơn một nửa doanh nghiệp Việt đã thực hiện các hoạt động cam kết phát triển bền vững, 73% lãnh đạo doanh nghiệp coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: TT

Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 được Schneider Electric và đối tác Milieu Insight thực hiện thông qua việc phỏng vấn 4.500 lãnh đạo doanh nghiệp tại chín quốc gia, trong đó có 500 đại diện từ Việt Nam.

Mục tiêu của nghiên cứu này là thu thập góc nhìn của các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á về tính bền vững và các vấn đề môi trường. Đối tượng tham gia khảo sát gồm có các giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao trong khối tư nhân, trả lời 30 câu hỏi liên quan đến tác động của phát triển bền vững đối với hoạt động kinh doanh. Khảo sát được tiến hành tại Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ: Việt Nam đang chứng kiến bước ngoặt trong hành trình hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững. Chỉ trong vòng một năm, chúng ta đã thu hẹp khoảng cách từ mục tiêu đến hành động (Green IMPACT Gap) từ 52% (2023) xuống còn 45% (2024).

Điều này không chỉ cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn khẳng định vai trò tiên phong của những 'Impact Makers' - những nhà lãnh đạo lựa chọn hành động để thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững. Tuy nhiên, để tiến xa hơn và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ nguồn lực tài chính, công nghệ cho đến khả năng thích ứng với các chính sách mới.

Theo khảo sát, 96% các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quen thuộc với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó, 54% cho rằng thách thức lớn nhất là thiếu chuyên môn kỹ thuật trong việc đo lường và báo cáo khí thải để tuân thủ nghị định một cách đầy đủ. 46% gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn hoặc tài nguyên để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ. Tuy nhiên, cuối cùng, 58% doanh nghiệp tin rằng các quy định như vậy sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các thực tiễn bền vững hơn, dù điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn.

Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra rằng, đạo đức doanh nghiệp và tính minh bạch là vấn đề được quan tâm nhiều nhất (chiếm tỷ lệ 32%) trong 3 vấn đề được quan tâm hàng đầu của Việt Nam về phát triển bền vững, bao gồm: Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; Đạo đức doanh nghiệp và tính minh bạch; và quản lý chất thải & tái chế.

Việt Nam ưu tiên chuỗi cung ứng xanh

Các doanh nghiệp Việt cũng tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững (53%) và giải pháp xanh (53%). Bên cạnh đó, 49% doanh nghiệp chọn đầu tư vào số hóa, một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong khu vực. Hơn một nửa doanh nghiệp Việt đã thực hiện các hoạt động để thực hiện cam kết phát triển bền vững, với 73% lãnh đạo doanh nghiệp coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.

Schneider Electric công bố kết quả khảo sát của báo cáo Phát triển bền vững thường niên Việt Nam 2025.

Schneider Electric công bố kết quả khảo sát của báo cáo Phát triển bền vững thường niên Việt Nam 2025.

Tuy nhiên, tại quy mô khu vực châu Á trên 9 thị trường, số hóa được dự báo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 danh mục chi tiêu cho quá trình chuyển đổi bền vững trong hai năm tới với 42% doanh nghiệp xác định số hóa là ưu tiên đầu tư hàng đầu. Trong đó, có 93% doanh nghiệp đã và đang sử dụng các công cụ số hóa nhằm hiện thực hóa mục tiêu bền vững. Các ứng dụng phổ biến nhất bao gồm: vận hành không giấy tờ (35%), quản lý rủi ro và cơ hội (33%) và số hóa chuỗi cung ứng (31%).

Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững trong các doanh nghiệp châu Á, khi có tới 60% lãnh đạo coi đây là ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm 73%, cao hơn Indonesia (71%) và chỉ thấp hơn Thái Lan (83%).

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ, nhưng “Green IMPACT Gap” – khoảng cách từ mục tiêu đến hành động vẫn còn tồn tại. Ở quy mô khu vực châu Á, khoảng cách này đã thu hẹp từ 50% (năm 2023) xuống 48% và vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt đến từ những bất ổn kinh tế, quy định pháp lý, và hạn chế nguồn lực nội bộ.

Tại Việt Nam, khoảng cách “Green IMPACT Gap” nhỏ hơn so với khu vực, đã thu hẹp từ 52% (năm 2023) xuống còn 45% (năm 2024). Trong đó, bất ổn về kinh tế (62%) được đánh giá là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt. Chỉ số “Green IMPACT Gap” của Việt Nam thu hẹp còn 45% cho thấy trong 99% các doanh nghiệp tuyên bố đã đặt ra các mục tiêu bền vững, hơn một nửa (54%) trong số các công ty được khảo sát đã xây dựng chiến lược và chính sách bền vững toàn diện với các mục tiêu rõ ràng. Những doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch mà còn chuyển hóa cam kết thành hành động thực tiễn, trở thành các Impact Makers (tạm dịch: Những người kiến tạo tác động bền vững) – những nhà lãnh đạo lựa chọn hành động để giúp cá nhân và tổ chức hướng tới một thế giới bền vững, hiệu quả và linh hoạt hơn.

Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững trong các doanh nghiệp châu Á, khi có tới 60% lãnh đạo coi đây là ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm 73%, cao hơn Indonesia (71%) và chỉ thấp hơn Thái Lan (83%).

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-mot-nua-doanh-nghiep-viet-hien-thuc-hoa-cam-ket-phat-trien-ben-vung-380215.html