Hơn một nửa tài sản mới của những người giàu nhất thế giới đến từ AI
Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 những người giàu nhất thế giới dù số doanh nhân giảm, tiếp theo là Mỹ và Ấn Độ. Đáng chú ý, hơn một nửa số tài sản mới của những người lọt vào danh sách đến từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) hôm nay (25/3) công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu năm 2024 (Hurun Global Rich List 2024). Tính đến 15/1/2024, có 3.279 doanh nhân tỷ USD đến từ 73 quốc gia, được đưa vào bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu 2024 do Viện nghiên cứu Hồ Nhuận công bố, tăng 167 người so với năm ngoái. Số lượng doanh nhân tỷ đô đã tăng 5% và tổng tài sản tăng 9%.
Trong đó, Trung Quốc mặc dù giảm mạnh 155 doanh nhân xuống còn 814 người, nhưng vẫn đứng đầu thế giới. Tiếp đến là Mỹ có mức tăng mạnh nhất 109 người, với tổng cộng 800 doanh nhân tỷ USD. Ấn Độ xếp vị trí thứ 3, với 271 người, tăng 84 doanh nhân, có mức tăng nhanh thứ 2 sau Mỹ.
Ông chủ Tesla Elon Musk quay trở lại vị trí người giàu nhất thế giới. Đây là lần thứ 3 trong 4 năm, ông đứng đầu danh sách với khối tài sản 1.670 tỷ NDT (gần 232 tỷ USD), tăng 530 tỷ NDT (gần 74 tỷ USD) theo tính toán của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận. Tài sản của tỷ phú này tăng mạnh chủ yếu nhờ giá cổ phiếu của Tesla tăng vọt.
Đứng thứ 2 là Jeff Bezos người sáng lập đế chế Amazon. Ông đã tăng hai bậc với khối tài sản tăng thêm 480 tỷ NDT (gần 67 tỷ USD), tương đương 57%, đạt 1.330 tỷ NDT (gần 185 tỷ USD). Ông trùm thời trang xa xỉ Pháp Bernard Arnault, người đứng đầu năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ ba, với khối tài sản giảm 190 tỷ NDT (hơn 26 tỷ USD), xuống còn 1.260 tỷ NDT (gần 175 tỷ USD).
Ông chủ hãng nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc Nongfu Spring Chung Thiểm Thiểm tiếp tục là người giàu nhất Trung Quốc, với tổng tài sản đạt 450 tỷ NDT (hơn 62 tỷ USD), giảm 9% so với năm trước.
Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Hurun Report Rupert Hoogewerf (tên tiếng Trung là Hồ Nhuận) cho biết, năm nay, trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên đã tác động sâu sắc đến bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu. Tài sản của các doanh nhân liên quan đến điện toán đám mây như Meta, Amazon, Alphabet - công ty mẹ của Google, Oracle và Microsoft đã tăng đáng kể.
Tài sản của Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), CEO của Tập đoàn Nvidia (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới) lần đầu tiên tăng mạnh và lọt vào top 30 người giàu nhất thế giới. Trong khi đó, “mặc dù OpenAI được định giá gần 100 tỷ USD nhưng người sáng lập Sam Altman được cho là không có cổ phần nên không có tên trong danh sách.
Cũng theo ông Rupert Hoogewerf, Mỹ dẫn đầu trong việc bổ sung thêm các doanh nhân tỷ USD, New York giành lại danh hiệu ‘Thủ đô tỷ USD của thế giới’ lần đầu tiên sau 7 năm, với thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Ấn Độ đã thể hiện rất tốt trong năm qua. Đây là quốc gia có thêm nhiều doanh nhân tỷ USD nhất ngoài Mỹ, với mức tăng gần 100 người. Năm nay, Mumbai đã thay thế Bắc Kinh trở thành ‘Thủ đô doanh nhân tỷ USD’ của châu Á và lọt vào top 3 toàn cầu. Cơ cấu tạo ra của cải của Trung Quốc tiếp tục trải qua những thay đổi lớn. Trong năm qua, hơn 200 doanh nhân tỷ USD ở Trung Quốc đã bị loại khỏi danh sách, trong khi có thêm hơn 50 gương mặt mới, về tổng thể giảm khoảng 150 người. Kể từ khi đạt đỉnh cao vào năm 2022, trong hai năm qua, Trung Quốc đã giảm gần 450 doanh nhân, trong khi có hơn 120 gương mặt mới.
Năm nay là một năm đầy tương phản đối với nền kinh tế Nga. Trong khi đồng RUB giảm 21% so với đồng USD, chỉ số MOEX của Nga lại tăng 44% chủ yếu nhờ kết quả hoạt động mạnh mẽ trong các lĩnh vực kim loại, khai thác mỏ và năng lượng. Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ tài chính hoạt động kém hiệu quả. Nga đã có thêm 6 doanh nhân tỷ USD trong năm nay. Bất chấp chiến tranh ở Gaza, Israel đã có thêm 9 doanh nhân tỷ USD và lọt vào top 20 quốc gia với 29 doanh nhân có tài sản trên 1 tỷ USD.