Hôn nhân sắp đặt ở Ấn Độ đã thay đổi

Người trẻ ở các nước Nam Á hiện có thể tự tìm đối tượng kết hôn trên app hẹn hò, có nhiều quyền quyết định trong việc chọn bạn đời. Song, chuyện này chỉ xảy ra ở khu vực thành thị.

Tấm biển quảng cáo in hình một người đàn ông trẻ đang mỉm cười với thông điệp "Hãy cứu tôi khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt" đã giúp Muhammad Malik (29 tuổi), một chàng trai độc thân người Pakistan sống ở Anh, nhận được hàng trăm lời mời làm quen từ phái nữ.

Tuy nhiên, SCMP đưa tin câu chuyện của anh chỉ là hình thức quảng cáo cho ứng dụng hẹn hò trong cộng đồng người Hồi giáo - Muzmatch.

Khi vào website findMALIKawife.com, người dùng sẽ được chuyển hướng tới app này.

 Câu chuyện của Malik cho thấy hôn nhân sắp đặt ở một số nước Nam Á vẫn được nhiều người quan tâm. Ảnh: BBC.

Câu chuyện của Malik cho thấy hôn nhân sắp đặt ở một số nước Nam Á vẫn được nhiều người quan tâm. Ảnh: BBC.

Nhiều người cho rằng đây là một chiến dịch marketing thông minh, song có không ít ý kiến cho rằng cách làm này phi đạo đức.

Dù hiểu theo khía cạnh nào chăng nữa, những tấm biển quảng cáo của Malik vẫn cho thấy hình thức hôn nhân sắp đặt vẫn nhận được sự quan tâm của cộng đồng người dân Nam Á ở trong và ngoài nước.

Phong tục mai mối thậm chí đang được "hiện đại hóa" để phù hợp hơn với các xu hướng mới.

Hôn nhân bán sắp đặt

Ở những quốc gia có tỷ lệ hôn nhân sắp đặt chiếm gần 90% như Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka..., những người độc thân trẻ tuổi đang nỗ lực tự tìm kiếm đối tượng, thay vì để gia đình can thiệp.

Họ mong muốn có thêm nhiều lựa chọn hơn trong chuyện "chung thân đại sự" của mình.

Sheetal Chadha, bà nội trợ có 2 con ở Delhi (Ấn Độ), cho biết hôn nhân sắp đặt dễ bị hiểu lầm thành sự ép buộc tuyệt đối của cha mẹ lên con cái.

"Giờ, chúng tôi chuộng hình thức 'hôn nhân bán sắp đặt' hơn. Trong đó, cha mẹ chỉ là người tạo điều kiện, giúp con cái tìm đối tượng kết hôn dựa trên sở thích, cá tính của họ. Người trẻ được trao quyền quyết định cuối cùng", Sheetal nói.

 Thay vì trao toàn quyền quyết định cho cha mẹ, người trẻ Ấn Độ nay có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời. Ảnh: Priyanca Rao.

Thay vì trao toàn quyền quyết định cho cha mẹ, người trẻ Ấn Độ nay có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời. Ảnh: Priyanca Rao.

Chia sẻ với SCMP, cô nói rằng mình đã được tự do chọn lựa bạn đời phù hợp theo hình thức này.

Gần đây, chương trình Indian Matchmaking do Netflix sản xuất đã cho thấy sự hiện đại hóa của tục mai mối ở Ấn Độ.

Nội dung xoay quanh dì Sima, bà mối toàn cầu đến từ Mumbai, và nhiệm vụ kết đôi cho giới thượng lưu ở Mumbai, Delhi, thậm chí cả những người Mỹ gốc Ấn.

Mặc dù nhận về nhiều phản ứng trái chiều, loạt phim này đã gạt bỏ vài định kiến do khán giả phương Tây áp đặt lên các cuộc hôn nhân qua mai mối.

"Ở Ấn Độ, chúng tôi không có kết hôn sắp đặt, chỉ có hôn nhân và hôn nhân vì tình yêu. Dựng vợ, gả chồng là câu chuyện giữa 2 gia đình", dì Sima nói.

Thông thường, điểm mạnh của chú rể nằm ở sự nghiệp và khả năng tài chính, còn sức hút của cô dâu là ngoại hình, tài nội trợ, và khả năng hòa hợp với nhà chồng.

Trong quá khứ, hôn nhân được xem như một công việc kinh doanh, bị chỉ trích duy trì chế độ đẳng cấp, dung túng thói gia trưởng và trăng hoa.

Tuy nhiên, tập tục mai mối đã được hiện đại hóa, ít nhất là ở khu vực đô thị, thành phố lớn.

 Việc mở rộng phương thức chọn bạn đời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các đôi trẻ. Ảnh: CNN.

Việc mở rộng phương thức chọn bạn đời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các đôi trẻ. Ảnh: CNN.

Người trẻ muốn tìm kiếm đối tượng kết hôn có thể lên website hẹn hò để tìm hiểu, hoặc giao phó việc này cho những người mà họ tin tưởng (cha mẹ, bà mối...).

Theo đó, các gia đình sẽ chuẩn bị đầy đủ tư liệu về chàng rể, nàng dâu tương lai như chiều cao, cân nặng, học vấn... Họ có thể trao đổi những thông tin này với vài gia đình khác.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn sử dụng các website giới thiệu đối tượng hẹn hò, kết hôn như Shaadi.com.

"Nhiều gia đình ở thành thị đã chuyển sang sử dụng các website hôn nhân, đồng ý cho con cái tìm đối tượng qua app hẹn hò. Họ chỉ muốn tìm một người có bối cảnh phù hợp để dễ chung sống", Reem Khokhar (41 tuổi), một nhà báo độc lập ở Delhi, nói.

14 năm về trước, cô gặp chồng mình thông qua những người bạn chung, hẹn hò 2 năm trước khi tiến tới hôn nhân.

Cô nói thêm: "Thực tế, không có gì đảm bảo được cho một cuộc hôn nhân sắp đặt. Tất cả phụ thuộc vào may mắn, sự thỏa hiệp và thời gian".

Dù vậy, phương pháp mai mối vẫn được nhiều người quan tâm và thử nghiệm nhờ có tỷ lệ thành công cao.

Những người ủng hộ chỉ ra trên toàn thế giới, tỷ lệ ly dị của các cuộc hôn nhân qua mai mối là 6,4%. Chỉ 1,1% các đôi vợ chồng ở Ấn Độ ly hôn, so với con số 45% tại Mỹ.

Mặt trái

Bên cạnh đó, những người phản đối lại chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến tục mai mối, kết hôn sắp đặt vẫn phổ biến.

Tại một số quốc gia, việc những người có tầng lớp, tôn giáo khác nhau kết hôn vẫn là cấm kỵ, có thể gây tổn hại danh dự.

Ngoài ra, truyền thông vẫn tiếp tục "quảng cáo" những tiêu chuẩn khắt khe với phụ nữ. Nhiều cô gái cảm thấy mình bị xem như món hàng trao tay giữa các gia đình.

"Nếu đã qua tuổi 30 mà vẫn độc thân, xã hội Ấn Độ sẽ khiến bạn cảm thấy mình tệ hại, không có giá trị. Những cuộc hôn nhân lại giống như một buổi đàm phán buôn bán với các điều khoản, điều kiện chặt chẽ", Reshmi Sharma (33 tuổi), chuyên viên truyền thông ở Mumbai, nói.

 Hình thức mai mối hiện đại đa số diễn ra ở các thành phố lớn. Ảnh: CNN.

Hình thức mai mối hiện đại đa số diễn ra ở các thành phố lớn. Ảnh: CNN.

Cô vẫn sử dụng các app hẹn hò để tìm đối tượng, song phần lớn đàn ông trên các nền tảng này không có ý định tiến tới hôn nhân.

"Đáng nói, ở Ấn Độ và một số nước châu Á, kết hôn là một cuộc nói chuyện mang ý nghĩa tiêu cực, nặng nề. Bạn bè của tôi ở các nước phương Tây không bao giờ có cảm giác đó", cô nói.

Hơn nữa, tại các vùng nông thôn Ấn Độ, hình thức mai mối vẫn diễn ra theo cách truyền thống. Các cô dâu buộc phải thích nghi với văn hóa, nhu cầu của gia đình chồng, bị bó buộc và ít tự do trong việc lựa chọn người phù hợp để kết hôn.

Sharmila Agarwal (35 tuổi, không phải tên thật), sống ở Nagpur (Ấn Độ), nói rằng sự đồng thuận, quyền tự do trong các cuộc hôn nhân sắp đặt rất quan trọng. Khi bước sang tuổi 21, cô bị ép kết hôn vì cha mẹ sợ cô "quá tuổi".

"Tôi bị chồng bạo hành, phải hầu hạ bạn đời và con rể suốt nhiều năm trước khi lấy hết dũng khí để ly dị. Tôi xoay sở để tìm việc và được bạn bè giúp đỡ. Tôi đã may mắn hơn nhiều người", cô nói.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-nhan-sap-dat-o-an-do-da-thay-doi-post1292374.html