Hơn nửa triệu hộ gia đình tại TPHCM đang trong 'vùng đỏ' dịch COVID-19
Hơn 520 nghìn hộ dân tại TPHCM đang nằm trong vùng đỏ của dịch COVID-19. Để tách F0 ra khỏi cộng đồng, phân loại vùng nguy cơ và đánh giá hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, phương án xét nghiệm diện rộng tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 9.
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch diễn ra chiều 20/9, BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, toàn Thành phố hiện có khoảng 2,3 triệu hộ gia đình. Trong đó, có hơn 1,2 triệu hộ đã thuộc vùng xanh và cận xanh. Còn lại 300.000 hộ thuộc vùng vàng, 200.000 hộ thuộc vùng cam và 520.000 hộ thuộc vùng đỏ.
Trước tình hình trên, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ nay đến cuối tháng 9, Thành phố tiếp tục xác định công tác phòng, chống dịch sẽ lấy phường, xã, thị trấn là pháo đài chống dịch, trong đó công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiếp tục chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách nhanh chóng, an toàn, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Tại các vùng đỏ, vàng cam, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân trên địa bàn, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong vòng 14 ngày gần đây và các trường hợp F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Lặp lại sau mỗi 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh: thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc xin, người tiếp xúc với nhiều người khác, không chọn người đại diện đã từng là F0. Lặp lại sau 4 ngày, làm liên tục 2 lần.
Các hộ gia đình đã có ca xác định dương tính lần trước sẽ không thực hiện xét nghiệm ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của trường hợp có ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định tại địa phương.
Nếu phát sinh trường hợp dương tính mới trong hộ gia đình thì tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, theo dõi và điều trị. Các hộ gia đình có ca dương tính phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa theo quy định.
Thành phố sẽ tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương tham gia công tác lấy mẫu. Tăng cường sự tham gia của ban điều hành khu phố, ấp, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân... trong quá trình tổ chức lấy mẫu tại địa phương.
Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, thực hiện giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê và báo cáo. Người lấy mẫu thực hiện đúng quy tắc 5K, đúng quy trình, quy định để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Tổng số ca dương tính được báo cáo dựa trên số liệu test nhanh dương tính trong ngày.
Sở Y tế đã chỉ đạo Trạm Y tế lưu động thực hiện giám sát và chăm sóc sức khỏe toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình có ca dương tính. Kịp thời phát hiện các triệu chứng nghi ngờ và xét nghiệm bổ sung cho các thành viên còn lại. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt giãn cách tại các khu vực cách ly trong cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đảm bảo mục tiêu đề ra và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả công tác xét nghiệm và phân loại vùng nguy cơ trên địa bàn.
Toàn bộ hoạt động xét nghiệm và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo quy mô tổ dân phố, tổ nhân dân, các địa phương phải gửi về Sở Y tế. Căn cứ trên dữ liệu được tổng hợp, Sở Y tế sẽ báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố vào ngày 29/9 để chuẩn bị cho các hoạt động mở cửa dần từng bước ở những vùng an toàn trong giai đoạn bình thường mới.