Hôn phu công chúa Nhật Bản bị soi mói khi về nước chuẩn bị đám cưới

Khi Komuro giữ im lặng với giới truyền thông đang chờ đợi anh ở sân bay Narita, các phóng viên buộc phải khai thác tối đa kiểu tóc đuôi ngựa của bạn trai công chúa.

Khi bước qua cánh cổng sân bay quốc tế Narita hôm 27/9, Kei Komuro trở lại với "rạp xiếc truyền thông" - thứ anh đã cố gắng tránh xa kể từ khi đến New York du học vào 3 năm trước, theo SCMP.

Rất nhiều phóng viên, máy quay đuổi theo chiếc xe của Komuro từ sân bay ra đến đường phố Tokyo. Cảnh tượng đó một lần nữa chứng minh Komuro đã đúng khi quyết định trở lại Mỹ ngay sau đám cưới với Công chúa Mako.

Bởi vì nếu anh còn ở lại Tokyo, gia đình anh, Công chúa Mako, Hoàng gia Nhật Bản sẽ tiếp tục là mục tiêu khai thác tin tức của các phương tiện truyền thông.

 Kei Komuro (bên phải), hôn phu của Công chúa Mako, đến sân bay Narita vào ngày 27/9. Ảnh: Asahi.

Kei Komuro (bên phải), hôn phu của Công chúa Mako, đến sân bay Narita vào ngày 27/9. Ảnh: Asahi.

Kiểu tóc đuôi ngựa

Nikkan Sports đưa tin "Kei Komuro trở lại với kiểu tóc buộc đuôi ngựa" cùng 3 tấm hình chụp mái tóc gây chú ý.

Trong khi đó, Aera dẫn lời một người hàng xóm của mẹ Komuro. Người này cho biết mình ủng hộ Komuro vì anh từng là một cậu bé lễ phép nhưng đồng thời khuyên vị hôn phu của công chúa Nhật Bản nên đổi kiểu tóc.

Sự giám sát của truyền thông, công chúng đối với Komuro bắt đầu khi anh cùng Công chúa Mako tuyên bố đính hôn vào tháng 9/2017.

Không lâu sau đó, thông tin mẹ Komuro đã nợ bạn trai cũ 4 triệu yen (35.959 USD) để trang trải học phí đại học cho con trai gây xôn xao. Đến tháng 2/2018, Hoàng gia Nhật Bản thông báo tạm hoãn đám cưới.

 Mái tóc gây chú ý trong ngày trở về Nhật Bản của Komuro. Ảnh: The Japan Times.

Mái tóc gây chú ý trong ngày trở về Nhật Bản của Komuro. Ảnh: The Japan Times.

Ồn ào tạm lắng khi Komuro sang Mỹ theo học ngành luật tại Đại học Fordham. Hiện anh làm việc tại một công ty luật hàng đầu ở New York.

Cuối tháng 9, Komuro trở về Nhật Bản để giữ lời hứa kết hôn với Công chúa Mako, người sẽ chính thức mất tước vị và trở thành thường dân sau khi họ kết hôn, theo quy định của hoàng gia.

Sự trở về của Komuro sau gần 3 năm hoãn cưới giờ đây lại thổi bùng nỗi tò mò của giới truyền thông Nhật Bản.

Trong khi các phương tiện truyền thông chính thống thường đưa tin khá hạn chế, một phần để đảm bảo quyền tham dự các sự kiện và tuyên bố chính thức từ cung điện, các tờ báo lá cải gần như không phải chịu áp lực gì khi đưa tin về hoàng gia.

Mục tiêu chính của các tờ báo này là lượt xem trên bản web hoặc lượng mua các ấn phẩm. Vì vậy, tiêu đề càng thu hút càng tốt. Chưa đầy 24 giờ sau khi Komuro đáp máy bay xuống Nhật Bản, các trang tin lá cải lại giống như được hồi sinh.

Bungei Shunju tuyên bố đám cưới là "cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Hoàng gia Nhật Bản trong 100 năm qua". JB Press suy đoán rằng hôn lễ có thể là trái với hiến pháp.

Còn Sports Web bàn đến trường hợp ly hôn và nói rằng không có quy định nào cho phép công chúa trở lại hoàng gia, được nhận hỗ trợ tài chính hậu chia tay.

Trang này thậm chí nhấn mạnh cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ là nỗi hổ thẹn của hoàng gia và đất nước.

Một thành viên giấu tên của hội cựu học sinh trường nữ sinh Gakushuin, nơi công chúa từng theo học, than thở với Aera rằng Mako đã không liên hệ để xin lời khuyên từ cô và cáo buộc Komuro "không cư xử đàng hoàng".

 Komuro trả lời phỏng vấn báo chí ở Tokyo vào ngày 17/5/2017. Ảnh: AP.

Komuro trả lời phỏng vấn báo chí ở Tokyo vào ngày 17/5/2017. Ảnh: AP.

Quyền được biết?

Các suy đoán thường xoay quanh câu hỏi về tiền bạc khi công chúa tuyên bố không nhận khoản tiền hồi môn 15,2 triệu yen (1,38 triệu USD) khi rời hoàng gia và trở thành thường dân.

Tokyo Sport nói rằng chưa từng có tiền lệ nào về việc từ chối khoản tiền này.

Tờ báo lá cải sau đó tuyên bố, mà không trích dẫn nguồn tin, rằng Công chúa Mako đang "có kế hoạch quyên góp toàn bộ số tiền cho tổ chức từ thiện".

Để làm cho câu chuyện thêm phần mập mờ, Tokyo Sport còn suy đoán gia đình Komuro có thể gây áp lực buộc công chúa phải nhận tiền và giữ nó cho riêng mình.

Shiro Saito, một cây bút của tờ báo lá cải có trụ sở ở Tokyo chuyên viết về hoàng gia, cho biết tiền của người nộp thuế đang bị đe dọa và công chúng có quyền biết khoản hồi môn sẽ đi về đâu.

"Công chúa có thể từ chối số tiền đó, nhưng ai sẽ trả tiền cho sự an toàn của họ khi cả hai chuyển đến Mỹ, ngay cả khi họ không còn là một phần của hoàng gia? Nhật Bản có thể phải yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp bảo mật, nhưng cũng sẽ phải trả giá và dùng đến tiền thuế của dân".

 Komuro và Công chúa Mako tuyên bố đính hôn vào tháng 9/2017. Ảnh: Reuters.

Komuro và Công chúa Mako tuyên bố đính hôn vào tháng 9/2017. Ảnh: Reuters.

Saito còn đề cập đến câu chuyện Hoàng tử Harry và Meghan Markle rời London đến Los Angeles sau khoảng thời gian khó khăn với Hoàng gia Anh.

"Mọi người đang chỉ ra những điểm giống nhau của hai cặp đôi. Họ đều rời khỏi hoàng gia và chuyển đến Mỹ sinh sống", Saito nói.

Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Sapporo, cho rằng công chúng Nhật Bản đang bị cuốn vào cuộc tranh cãi tài chính trên các phương tiện truyền thông, đồng thời cũng muốn biết chi tiết về cuộc hôn nhân của công chúa.

“Mọi người có rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tiền bạc: Ai đã trả tiền để Komuro học luật ở New York? Đó có phải là tiền thuế hay không?

Chúng ta không thể biết. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên một thành viên của hoàng gia từ chối nhận tiền hồi môn và sau đó chuyển ra nước ngoài sinh sống. Có quá nhiều điều đầu tiên buộc mọi người phải suy đoán".

Ngoài tiền bạc, công chúng cũng có rất nhiều câu hỏi khác về tình yêu, cuộc sống tự do sau này của Komuro và công chúa.

"Mọi người tò mò những gì công chúa sẽ trả lời, nhưng tôi nghi ngờ rằng chúng ta thậm chí còn không có cơ hội để hỏi", ông Watanabe nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-phu-cong-chua-nhat-ban-bi-soi-moi-khi-ve-nuoc-chuan-bi-dam-cuoi-post1267137.html