Hồn quê giữa lòng thành phố
Gắn bó với cù lao Long Phước quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) hơn 10 năm, Bảo tàng Áo Dài vừa bảo tồn di sản văn hóa liên quan đến áo dài, vừa góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa địa phương khác như hát ru, đờn ca tài tử, nghề gói bánh ít... Nghệ thuật thắt lá dừa cũng là một hoạt động mà Bảo tàng đang từng ngày đồng hành cùng cư dân Long Phước giữ gìn và giới thiệu với công chúng.
Cù lao Long Phước nằm giữa sông Đồng Nai, sông Soài Rạp và sông Tắc, được bao bọc bởi những rặng dừa nước xanh um. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Long Phước gắn liền với nông nghiệp. Người dân dùng lá dừa nước lợp mái nhà, chằm vách lá. Mỗi khi cắt lá về chằm họ luôn ghi nhớ “công thức”: “năm tàu cắt ba lá” để cây vẫn tiếp tục sinh sôi. Bên cạnh đó người dân còn dùng lá dừa nước non thắt thành những món đồ chơi xinh xắn cho trẻ con: bông hoa, con cào cào, con cá, con ngựa, con bướm…
Bao nhiêu thế hệ cư dân Long Phước và cả những phường, xã lân cận như Long Trường, Trường Thạnh đã lớn lên cùng những kỷ niệm đẹp đẽ dưới mái nhà lợp bằng lá dừa nước, với những con cào cào, con cá thắt bằng lá dừa đầy sáng tạo, khéo léo, thân thiện với môi trường. Rồi những đám cưới được trang trí bằng cổng cưới lá dừa, lá đủng đỉnh vừa nên thơ, vừa độc đáo...
Thế nhưng quá trình đô thị hóa quá nhanh, quá thực dụng đã khiến cho những mái nhà lá, cổng cưới lá và những món đồ chơi mộc mạc làm từ lá dừa dần biến mất trong đời sống hàng ngày của người dân Long Phước và các khu vực xung quanh. Những rặng dừa nước cũng thu hẹp dần, có lúc xác xơ, cằn cỗi…
Bảo tàng Áo Dài mở cửa phục vụ từ tháng 1.2014, ngay từ đầu đã phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn của một bảo tàng ngoài công lập non trẻ, nằm cách xa trung tâm, thiếu thốn từ nhân lực đến tài chính. Năm 2017 - 2018, bên cạnh quyết tâm vực dậy, củng cố hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài Việt Nam, những người làm bảo tàng đã ra sức tìm tòi, học hỏi những di sản văn hóa khác ở cù lao Long Phước.
Ngoài hát ru, đờn ca tài tử, nghề gói bánh ít, bánh tét, chúng tôi còn tiếp cận vốn kiến thức dân gian phong phú về thuốc nam, nghệ thuật làm cổng cưới và thắt các sản phẩm từ lá dừa nước rất độc đáo của cư dân nơi đây. Rất âm thầm, tỉ mỉ, bà con láng giềng của Bảo tàng đã chống xuồng đi dọc những con rạch nhỏ, chọn lấy những “cùi bắp” (đọt lá) ưng ý nhất, đem về tước lấy sống lá, phiến lá để dạy cho anh em nhân viên thắt từng bông hoa, từng con vật.
Tháng 10.2018, nhân Ngày hội Văn hóa Hòa bình TP.HCM lần thứ nhất do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM tổ chức tại Dinh Độc Lập, lần đầu tiên Bảo tàng Áo Dài “trình làng” nhóm “nghệ nhân” thắt lá dừa, già có, trẻ có, cả học sinh Trường Tiểu học Trường Thạnh cũng tham gia. Rất đông khách trong, ngoài nước và các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương đã quan tâm đến hoạt động này. Nhiều vị khách trung niên đã bồi hồi nhớ lại một trò chơi thân thuộc thời niên thiếu ở quê nhà. Nhiều khách quốc tế thích thú khi “thử sức” thắt hoa hồng bằng lá…
Thành công bước đầu đã thực sự động viên chúng tôi và bà con hàng xóm. Ai nấy chăm chỉ luyện tập để thắt lá dừa ngày càng khéo hơn, sáng tạo hơn. Hễ có dịp gặp gỡ các nghệ nhân tỉnh bạn, anh em lại ra sức học hỏi để có thể làm được ngày càng nhiều sản phẩm tinh tế, phức tạp hơn như nón lá dừa, con rồng, con công… Khi các trường đại học, trung học và cả tiểu học đăng ký tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Áo Dài, chúng tôi thuyết phục nhà trường tổ chức “lớp học thắt lá dừa” cho sinh viên, học sinh.
Đó là những kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi, những người “truyền nghề” và cả với các bạn trẻ được “học nghề”. Những ánh mắt ngời sáng tự tin, những nụ cười mãn nguyện của các bạn trẻ khi cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra đã trở thành niềm hạnh phúc lớn, nguồn động viên mạnh mẽ cho chúng tôi.
Cùng với áo dài, Bảo tàng cũng đang gìn giữ một giá trị văn hóa nhiều ý nghĩa của khu vực Long Phước. Bảo tàng đã đưa vào chương trình thực tập của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đại học Văn hóa kỹ năng thắt lá dừa thành bông hoa, thành con vật để các bạn trẻ có thêm “tài vặt”, thêm câu chuyện nhiều ý nghĩa trước khi bước vào đời. Kết thúc đợt thực tập tại Bảo tàng, nhiều bạn sinh viên được mời trình diễn thắt lá dừa tại các lễ hội, thu hút đông đảo lớp trẻ đến tham gia.
Cuối năm 2018, Bảo tàng Áo Dài bất ngờ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM trao giải Nhất cuộc thi “Vườn sinh thái đẹp TP.HCM năm 2018”. So với các khu vườn khác thì khuôn viên Bảo tàng chưa thực sự chỉn chu, hoàn hảo, nhưng các hoạt động thu hút sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương đến với “vườn” như đờn ca tài tử, hát ru, gói bánh và cả thắt lá dừa đã chứng tỏ Bảo tàng từng bước gắn bó với địa phương. “Học viên” đến Bảo tàng học thắt lá dừa ngày càng đa dạng: nhân viên các công ty, sinh viên các trường quốc tế, thậm chí các nhóm khách quốc tế như phu nhân các tổng lãnh sự tại TP.HCM, phu nhân các doanh nhân đang kinh doanh tại TP.HCM cũng rất vui thích khi tham gia “workshop” đặc biệt này.
Bảo tàng Áo Dài đã từng bước đưa triển lãm áo dài và nghệ thuật thắt lá dừa vào các lễ hội lớn ở thành phố. Lễ hội Việt - Nhật năm 2021, 2023 và 2024 được tổ chức tại công viên 23.9, thu hút hơn 400.000 lượt khách tham quan. Cùng với Bảo tàng Áo Dài, các bạn trẻ là con em cư dân Long Phước đã chăm chỉ “học nghề” và đến “truyền nghề” tại các lễ hội: “Kỷ niệm 20 năm thành lập quận Tân Phú” (11.2023), “Lễ hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Đồng Nai” (12.2023), “Lễ hội Du lịch - Văn hóa thành phố Thủ Đức” (4.2024). Không chỉ là cơ hội để kiếm tiền, các bạn trẻ đã nhận thức được nhiệm vụ bảo tồn, quảng bá cho một giá trị văn hóa suýt bị lãng quên, thất truyền. Các bạn đã tích cực góp phần “lôi kéo” lớp trẻ rời khỏi máy tính, điện thoại di động để đến với một trò chơi hấp dẫn, sáng tạo, khéo léo…
Tháng 5.2022, ngay sau khi dịch Covid-19 qua đi, để góp phần thu hút du khách, Bảo tàng đã tổ chức “Ngày hội Lá”: hát lá, múa lá, ăn lá, uống lá và tất nhiên là thắt lá dừa thành cổng chào và các sản phẩm khác. Khách tham dự rất thích thú khi xem tiết mục múa và hát Đội kèn tí hon của học sinh tiểu học với những chiếc kèn quấn bằng lá dừa ngộ nghĩnh.
Thông điệp của “Ngày hội Lá” đã lan tỏa đến Cần Thơ: trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế năm 2022 đã có 2 ngày dành cho “Ngày hội Lá” với quy mô lớn hơn, phong phú hơn. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ nhân viên Bảo tàng Áo Dài được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cùng các nghệ nhân thắt lá dừa ở Tây Đô.
Khi đã tự tin về “tay nghề” thắt lá dừa thành những bông hoa tuyệt đẹp, anh em Bảo tàng bỗng trở thành “những người đàn ông lý tưởng” khi quyết tâm làm thật nhiều hoa để tặng các nghệ sĩ, nghệ nhân trong những buổi trình diễn âm nhạc tại Bảo tàng, làm những lẵng hoa xinh xắn tặng phụ nữ nhân dịp 8.3, 20.10. Ban tổ chức nhiều cuộc lễ hội, sự kiện đã nhờ chúng tôi làm nhiều bó hoa cầm tay để tặng khách VIP nhằm tạo bất ngờ cho khách.
Bên cạnh những giỏ bánh ít mộc mạc, Bảo tàng Áo Dài đã đem đến cho các bảo tàng bạn những giỏ hoa bằng lá dừa và được nhiệt liệt tán thưởng, đón nhận. Những giỏ hoa ấy khô dần nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo sau hai - ba tháng trưng bày và vẫn sẽ rất đẹp khi được phun sơn màu, sơn nhũ…
Nhịp sống đô thị hối hả, gấp gáp sẽ bớt căng thẳng, âu lo khi bạn đến với Bảo tàng Áo Dài một ngày cuối tuần, thong thả ngồi xuống chiếc chiếu mộc mạc trải dưới gốc cây mù u, vừa học thắt lá dừa thành bông hoa, thành con cào cào, con cá, vừa chuyện trò thân mật với các cô chú láng giềng sang giúp Bảo tàng một tay…
Từng ngày, từng giờ Bảo tàng đang cùng với cư dân Long Phước giữ gìn chút hồn quê trong thành phố để những giá trị văn hóa cha ông để lại không bị lãng quên, mai một...
Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo Dài)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hon-que-giua-long-thanh-pho-43874.html