Hòn Sơn trong lễ hội Nghinh Ông - nơi sóng hòa nhịp lòng người

Mỗi năm, rằm tháng mười âm lịch, khi những con sóng quanh Hòn Sơn thuộc huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) như dịu dàng hơn, sẵn lòng hòa vào nhịp sống của ngư dân nơi đây trong một lễ hội đặc biệt - lễ hội Nghinh Ông. Dưới bầu trời xanh ngắt, giữa muôn vàn hương vị của biển cả, Hòn Sơn rực rỡ sắc cờ, vang vọng tiếng nhạc cổ truyền từ Lăng Ông Nam Hải. Ở đó, lễ hội không chỉ là nghi lễ truyền thống mà còn là mạch nguồn kết nối con người với biển qua bao năm tháng.

Nghi thức lễ rước Nghinh Thần trên biển tại lễ hội Nghinh Ông ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, năm 2023. Ảnh: THANH DƯ

Từ xa xưa, tập tục thờ cá Ông - vị thần biển cả đã in sâu vào đời sống người dân biển đảo. Đối với bà con ngư dân, biển không chỉ là chốn mưu sinh mà còn là bà mẹ chở che, vỗ về và cất giấu những câu chuyện đời thường xen lẫn gian khó. Lễ cúng cá Ông là dịp để ngư dân thành kính tri ân những điều thiêng liêng đã bảo vệ họ khỏi cơn cuồng phong, sóng dữ. Từ lời khấn nguyện đến tiếng trống chiêng vang dội, tất cả như vẽ lên bức tranh tâm linh đậm chất miền biển, nơi từng giọt mồ hôi, từng giấc mơ được trao gửi trong niềm tin kính trọng.

Sáng ngày rước Nghinh Ông, nhiều chiếc tàu lớn nhỏ, cờ đỏ phất phới, nối dài. Ngư dân Hòn Sơn vốn quen với sóng gió, hôm nay lại rực sáng niềm tự hào. Cái mặn mòi của biển dường như ngấm vào từng nếp áo, từng nụ cười. Khi đoàn tàu xuôi dòng, tiếng hát hòa lẫn với gió biển, tạo nên một không gian linh thiêng và sống động - nơi con người và thiên nhiên như thấu hiểu nhau bằng những điều giản dị nhất.

Lễ hội Nghinh Ông không chỉ có nghi lễ trang nghiêm mà còn là ngày hội của sự kết nối, của tình làng nghĩa xóm, của tinh thần đoàn kết gắn bó trên từng chuyến biển. Những ngư dân từng ngày đơn độc với biển cả nay gặp lại nhau trong tiếng cười nói, tay bắt mặt mừng. Trên bến cảng, các chiếc tàu neo đậu san sát nhau, mang theo câu chuyện của những chuyến hải trình. Bàn tay chai sạn hôm nay nhịp nhàng trong những nghi thức cúng lễ, trong từng bước đi nghinh Ông với sự thành kính dâng tràn.

Khi chiều buông, lễ hội chuyển mình sang sắc màu của ẩm thực, của không khí giao lưu văn hóa đầy đặc trưng. Các gian hàng hải sản tươi rói tỏa mùi thơm nức, nước mắm Hòn Sơn nồng nàn quyện vào vị gà rẫy thơm mềm khiến ai nếm thử cũng chẳng thể nào quên. Du khách đến với lễ hội nơi đây sẽ được thưởng thức món ngon, được tìm thấy cảm giác hòa mình vào hơi thở thuần khiết của biển. Làn gió thổi qua, hương vị của muối biển còn đọng lại nơi đầu lưỡi, để mỗi bước chân đi xa rồi vẫn mang nỗi nhớ về một nơi yên bình và nguyên sơ.

Dưới ánh hoàng hôn nhuộm sắc tím, những hạt cát trắng mịn trên bờ lặng lẽ nâng bước chân du khách. Dòng nước trong veo phản chiếu bóng núi và biển, một không gian mà có lẽ chỉ ở những nơi mà biển hòa quyện cùng đất và trời như Hòn Sơn mới tồn tại - nơi giao hòa giữa thiên nhiên nguyên sơ và tâm hồn ngư dân. Để một lần hòa mình vào lễ hội, ai nấy đều cảm nhận được sự nhỏ bé của mình trước bao la biển cả, nhưng cũng là niềm tự hào, khi cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho nét văn hóa cổ truyền mãi bền lâu.

Lễ hội Nghinh Ông không chỉ mang thông điệp của tín ngưỡng, mà còn là hành trình bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Trong nền nhịp sống hiện đại nhiều đổi thay, ngư dân Hòn Sơn vẫn giữ vững nhịp đập của hồn mình - nhịp đập của biển cả, của lòng thành và sự biết ơn. Từng nghi thức, từng bước đi của người dân là minh chứng rằng, dù qua bao sóng gió, nhưng tình cảm với biển, với Ông và với những thế hệ mai sau vẫn vẹn nguyên, không phai nhạt.

Hành trình đến lễ hội Nghinh Ông là hành trình về với cội nguồn, để một lần nữa, người đi xa lắng nghe sóng hát và cảm nhận lòng người, lòng biển - cái tình sâu đậm mà không lời nào có thể tả hết. Hòn Sơn mãi giữ mình như một bản giao hòa giữa thiên nhiên và lòng người, nơi từng con sóng nhỏ cũng mang theo bao lời nguyện cầu và hy vọng không bao giờ dứt.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/hon-son-trong-le-hoi-nghinh-ong-noi-song-hoa-nhip-long-nguoi-23129.html