Hồn Then bên dòng Nậm Luông

Dòng suối Nậm Luông chảy qua 2 xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hiền hòa trong xanh, bồi đắp những bờ xôi ruộng mật, những cánh đồng lúa, ngô, nương dâu trù phú mỗi mùa. Ở mảnh đất ven bờ Nậm Luông ấy còn chất chứa một giai điệu Then làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày theo dòng chảy thời gian, vẫn được bà con gìn giữ vun đắp cho đến hôm nay. Không những thế, giai điệu Then còn được đồng bào Tày thổi vào đó sức sống mới để hồn Then không chỉ làm giàu đời sống văn hóa tinh thần, mà còn phát huy giá trị di sản, hòa mình vào dòng chảy phát triển kinh tế du lịch ở Bảo Yên.

Các nghệ nhân biểu diễn tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nghệ thuật hát Then - đàn tính đồng bào dân tộc Tày tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Lê Thanh Cường

Các nghệ nhân biểu diễn tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nghệ thuật hát Then - đàn tính đồng bào dân tộc Tày tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Lê Thanh Cường

Vui vẻ tham gia lớp học, chị Kim Thị Mai, bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô cho biết, lần đầu tiên được tham gia lớp học do các nghệ nhân trong bản truyền dạy, chị không chỉ biết hát Then mà còn hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ca từ, giai điệu mang hồn cốt linh thiêng trong văn hóa truyền thống của người Tày. Đặc biệt, giai điệu Then hôm nay còn mang một sắc màu mới, bởi những câu lạc bộ hát Then đã duy trì biểu diễn ở chợ đêm Nghĩa Đô tối thứ Bảy hằng tuần và cho các đoàn khách du lịch đến trải nghiệm du lịch cộng đồng ở nơi đây.

Trong 2 tháng qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên đã phối hợp với các xã Vĩnh Yên, Nghĩa Đô mở các lớp truyền dạy hát Then cho người dân ở các bản làng người Tày bên dòng Nậm Luông - nơi có cộng đồng người Tày còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tham gia các lớp học có các thành viên của Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Nghĩa Đô; Câu lạc bộ hát Then - đàn tính xã Nghĩa Đô; Câu lạc bộ hát Then - đàn tính xã Vĩnh Yên; thanh niên và học sinh dân tộc Tày đang học các bậc học phổ thông trên địa bàn 2 xã. Ngoài ra, còn có cả lãnh đạo UBND xã, cán bộ văn hóa xã cùng tham gia. Mỗi lớp học có 60 học viên, học trong 5 ngày, tập trung vào các bài Then cổ, Then lời mới, học đánh đàn tính, múa phụ họa cho một số bài Then... Các học viên vừa học lý thuyết nghe nghệ nhân truyền giảng, vừa luyện tập thực hành các tiết mục hát Then, biểu diễn cho nhau xem.

Luôn nặng lòng với giai điệu Then, nhiều năm qua, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy và nhiều người yêu hát Then vẫn đang duy trì Câu lạc bộ hát Then - đàn tính xã Vĩnh Yên. Điều đó không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân địa phương, mà còn truyền lại cho thế hệ trẻ, gìn giữ nét văn hóa cho đến mai sau.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy chia sẻ: “Những lớp truyền dạy văn hóa truyền thống mang bản sắc của cộng đồng người Tày thật ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, khi cuộc sống hiện đại, quá nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật phát triển, hát Then đứng trước nguy cơ mai một. Là nghệ nhân truyền dạy, tôi cảm thấy rất vui vì vẫn có nhiều bà con trong cộng đồng hào hứng tham gia học hát Then và có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của ông cha để lại”.

Để tổ chức lớp truyền dạy thành công, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với UBND các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên lập danh sách học viên theo đúng thành phần, đồng thời, phối hợp với các nghệ nhân xây dựng tài liệu học tập, trong đó, phân chia từng nội dung giảng dạy, thời gian giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Ông Nguyễn Sĩ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: “Các nghệ nhân đã truyền dạy hết sức tâm huyết, có chất lượng; nội dung bài giảng thiết thực, gần gũi với học viên, được học viên nhiệt tình hưởng ứng... Các học viên tham gia với thái độ hết sức nghiêm túc, tích cực. Trên cơ sở vốn văn hóa sẵn có, qua lớp học đã làm sáng rõ thêm các nội dung về văn hóa truyền thống, nghệ thuật hát Then - đàn tính của đồng bào dân tộc Tày”.

Điều đặc biệt nữa, đây là lần đầu tiên huyện Bảo Yên tổ chức lớp truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc dài ngày, bài bản như thế. Qua theo dõi lớp học, có thể nhận thấy rằng, cả nghệ nhân và bà con Tày ở địa phương rất hào hứng, nhiệt tình tham gia. Kết thúc lớp học, các học viên, học sinh, các trường học còn có bộ tài liệu để tiếp tục nghiên cứu, học tập.

Lê Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hon-then-ben-dong-nam-luong-post457693.html