Hồn thơ phóng khoáng, phiêu bạt đẫm 'chất sống' Hải Phòng
Trong đời thơ của mình, Thanh Tùng đi khá nhiều nơi, viết về nhiều miền đất khác nhau nhưng thành phố Hải Phòng của một 'Thời hoa đỏ' vẫn là một miền thi ca giàu chất sống lãng mạn dữ dội và ký thác tâm tưởng nhiều nhất đối với ông...
Tôi nghĩ mỗi một nhà thơ đích thực, nổi tiếng đều tìm thấy miền đất ký thác của thơ mình trong cuộc đời sáng tạo của riêng họ, dẫu hành trình thơ mở ra ở nhiều miền sống khác nhau, nhiều thể tài khác nhau, nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều thi tầng khác nhau.
Và, điều tôi muốn nói tới chính là chất thơ của những miền sống đã làm nên một đặc trưng phổ quát, một định hình ngôn thi, một định tính phong cách… của miền thi ca ấy. Như thể nhiều năm qua, dư luận văn học thường nhắc tới chất thơ Hà Nội, chất thơ Xứ Đoài, chất thơ Kinh Bắc rồi chất thơ Hải Phòng, chất thơ miền Trung Thanh - Nghệ - Tĩnh, chất thơ Bình Định - Phú Yên đến chất thơ xứ Huế, chất thơ Sài Gòn, chất thơ Nam Bộ…
Với tuyển thơ "Còn đây một thời hoa đỏ" của cố nhà thơ Thanh Tùng vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, qua 159 bài thơ trong tập, tôi cho rằng cái phong vận của người thơ tài hoa ấy có hai nét nổi bật đẫm chất thơ - chất sống Hải Phòng, đó là sự phóng khoáng trong nhịp điệu thi ca và sự phiêu bạt trong cảm xúc và suy ngẫm.
Trong đời thơ của mình, Thanh Tùng đi khá nhiều nơi, viết về nhiều miền đất khác nhau nhưng thành phố Hải Phòng của một 'Thời hoa đỏ" vẫn là một miền thi ca giàu chất sống lãng mạn dữ dội và ký thác tâm tưởng nhiều nhất đối với ông. Trong bài thơ "Hải Phòng - muối của đời tôi", Thanh Tùng chia sẻ:
“Tôi để lại Hải Phòng giầu có của tôi/ Bước ra cửa là rơi vào trái tim bè bạn/ Cùng ngọn gió tươi mặn chát của biển khơi/ Với tôi ngày nào cũng Tết/ Tôi đã mang thơ trải khắp con đường/ Thơ có máu của những ngày bom đạn/ Dồn lên cùng ngọn lửa lò nung/ Chắt ra từ giọt rượu đêm/ Quán vắng bạn bè khật khưỡng”…
Rồi: “Tôi đã làm thơ từ sau xe bò chở gạch/ Đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm/ Tiếng ghi-ta ngập ngừng ven bờ sông Lấp/ Rồi bay lên sóng sánh ánh sao trời / Hải Phòng ơi ai cũng đã an ủi tôi/ Bằng cách yêu của thợ/ Đến vỉa hè cũng nóng lên mời gọi/ Trong những ngày tưởng không đứng lên được nữa/ Hải Phòng ơi tôi đã tan vào Người/ Trong ngổn ngang mãnh liệt/ Để hôm nay dù ở nơi nào/ Cũng không nhạt nhẽo/ Vì Người là muối của đời tôi”.
Qua những câu thơ như trên, có thể nói, thơ Thanh Tùng là thứ thơ đậm đặc chất sống, tươi rói chất sống mà cũng trầm luân chất sống, mặn mòi chất muối của Hải Phòng. Hơi thở đời sống cần lao nhọc nhằn, lấm láp của thành phố những tháng năm ấy cứ hiện lên trong thơ ông những nỗi niềm trở trăn, day dứt: “Thành phố gầy như ngực mẹ tôi/ Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/ Không dám cả cười buông thả/ Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành/ Bờ sông khúc khuỷu hoang sơ/ Nham nhở cỏ xanh tràn mép phố/ Những em gái thập thò sau khung cửa/ Ánh mắt như màu rượu lâu ngày”… (Trở về)
Hải Phòng lưu dấu ký ức tháng năm trong trái tim nhà thơ không chỉ là "Tiếng búa khắc vào hồn phố nhỏ/Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường" cùng với "Những giọt mồ hôi từng hát lên trong suốt/ Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau" mà thành phố quê hương còn thắp lên một tình yêu không bao giờ nguôi cũ trong đời thơ phiêu bạt ông: “Tôi có thể lại yêu thêm lần nữa/ Với trái tim nặng trĩu nhọc nhằn/ Bao nhiêu xanh tôi đã để lại cho màu liễu bên bờ hồ Tam Bạc/ Máu đã bừng lên mỗi sớm nơi đây/ Tôi vẫn khát những mặt hè như cậu bé ngày xưa/ Những tên phố rộn lên trong tôi niềm say lang bạt/ Rồi mai đây ở bất cứ nơi nào
Tôi cũng chỉ thấy mình chen chân trên đường Cầu Đất/ Hoa bằng lăng tím đến dại khờ” (Hải Phòng lúc ra đi)
Có thể nói, trái tim nhà thơ như một bảo tàng trữ tình của những ảnh hình kỷ niệm thân thương về một dĩ vãng Hải Phòng, cũng là nơi chất chứa những xúc động yếu đuối mà chân thành khi ông phải chia tay thành phố trước một chuyến đi rất xa về phương trời khác: “Mới biết mình yếu đuối nhường nào khi phải ra đi/ Nếu tôi không vội nghiến răng thì cơn gió cũng làm cho nhàu rối/ Mới thèm làm sao những em thơ nhởn nhơ quanh những gốc bàng già điềm tĩnh/ Những cô gái nước đi như hôn lên mặt hè/ Cả những người thợ đang tất bật áo quần bê bết mỡ dầu/ Tất cả nhìn tôi với tự hào và thương hại/ Tôi hiểu từ đây tất cả là của họ từ nhành cây ngọn cỏ đến vệt mưa xám xịt đã cất giữ của tôi bao dĩ vãng”.
Rồi sau những khoảnh khắc yếu đuối phút chia tay, Thanh Tùng chợt nhận ra trong cuộc đời phiêu dạt của mình những câu thơ xa xót, những câu thơ phiêu bạt của một người thơ luôn đau đáu một tình yêu máu thịt với thành phố quê hương với những liên tưởng đầy ám ảnh: “Chỉ lát nữa thôi tôi sẽ trắng tay/ Cái đồng hồ nhà ga như khuôn mặt viên quan tòa nghiêm khắc/ Những cánh cửa nhà ga cũng cương quyết mở ra rồi/ Tiếng còi tàu bàng hoàng như tiếng thét chính hồn tôi/ Tôi rối lên ôm vào tất cả”/ Hết thứ này lại thêm thứ nữa/ Như người khuân vác tham lam/ Tôi xin xỏ, giằng co rồi thương lượng/ Để mai trên quê người không quá cô đơn” (Ở ga Hải Phòng).
Đa phần những bài thơ trong tập "Còn đây một thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng đều nằm trong mạch chảy ngầm của những tiểu - tự - sự với giọng thơ trầm buồn, giàu chia sẻ, khơi gợi và gần gũi, thân thiết với con người. Thanh Tùng đã nâng nghệ thuật thi ca thành một cách viết tự thân giàu phẩm cách thi sĩ, nó giản dị, hồn nhiên và tươi nguyên như chính hơi thở đời sống xung quanh đã được ông đưa vào thơ theo cách giàu cảm xúc nội tâm nhất, điều mà không phải nhà thơ nào cũng có được.
Có lẽ về mặt kỹ năng viết, Thanh Tùng là một trong những bậc thầy của thơ trữ tình tự do mà bài thơ "Thời hoa đỏ" là một dẫn liệu bên cạnh những bài thơ đặc sắc khác của ông. Ở những bài thơ như thế, nhịp điệu dài ngắn của câu thơ lại phụ thuộc vào nhạc điệu nội tại của những tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm, muốn chuyển tải như trong một bài thơ viết về "Hà Nội ngày trở về" của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc: “Hà Nội ơi tôi đã cất giữ người cẩn thận/ Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhầu máu vẫn âm thầm chảy/ Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/ Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên/ Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm/ Tôi rung lên mỗi khi chạm tới bóng cửa ô/ Như được chạm vào vai gầy áo mẹ/ Tôi bé nhỏ và tôi vẫn thế/ Trái tim luôn xao động/ Như bên trong đầy ắp sóng Hồ Tây/ Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng kịp nhận ra từng mặt phố”… (Hà Nội)
Trong bài viết ngắn này về thơ Thanh Tùng, tôi muốn phác họa đôi nét cái chất sống-chất thơ Hải Phòng trong nhiều bài thơ của ông để thấy thành phố cảng của cần lao, phóng khoáng nơi ông sinh ra và lớn lên đã ngấm vào máu thịt, vào từng hơi thở của thi ca ông với nhiều nỗi đời, nỗi người trong gian khó, nhọc nhằn nhưng vẫn vượt lên bền bỉ một chất sống mãnh liệt của những con người không chịu cúi đầu, không chịu thua cuộc và luôn gắn bó, thủy chung với quê hương: “Tôi vẫn tin có một ngày trở lại/ Bao già nua trút ở ngoại ô/ Để lại chạy với bàn chân tinh khiết/ Phố Hàng Cau rồi phố Hàng Song/ Những đường phố trong như nước mắt/ Sông Đào lại chảy vào tôi nguồn mơ mộng/ Những cánh buồm nâu đã viết lên tôi nỗi buồn thứ nhất/ Tôi lang thang vá víu đã nhiều/ Bao nhiêu gió chẳng làm đỡ khát/ Bao nhiêu nắng chẳng làm mặn lại/ Chỉ quê hương đau đáu vẫn còn xa” (Quê Hương).
Theo tôi, sở dĩ thơ Thanh Tùng có một sức sống ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu chiêm nghiệm và ý tưởng mới lạ trong thi ca là do phẩm chất thi sĩ khá đậm đặc, mãnh liệt mang dấu ấn phong cách của tài năng ông với những câu thơ đã chạm vào được mạch nguồn sâu sa và tươi mới của đời sống con người, đời sống thiên nhiên, đời sống quê hương.
"Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng cho lòng ta nguôi/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/Về cái vẻ thần kỳ của ngày qua/ Em hát một câu thơ ngày cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…".
Những câu thơ giản dị, trong suốt này ngân vang trong tâm tưởng người đọc những cung bậc tình yêu về một miền sống, miền thương yêu nơi mỗi chúng ta đã từng đi qua và luôn khát khao trở lại. Trong hành trình thơ của Thanh Tùng không thể không nói tới thơ tình, đây là một mảng thơ đặc biệt ghi dấu ấn sâu lắng và nồng nhiệt của một tâm hồn thi sĩ cháy bỏng yêu thương và luôn tụng ca cái đẹp nơi ông mà bài thơ "Thời hoa đỏ" đã đọng lại như một trong những bài thơ tình hay nhất của thi ca đương đại Việt Nam.
Sau những năm dài đầy biến động và sống hết mình cho thi ca, một trong những bài thơ cuối cùng Thanh Tùng viết trước khi giã biệt cuộc đời gian truân và giàu mộng mơ thi sĩ của ông là bài "Khi nhà thơ đi xa" với những câu thơ dự cảm đầy tâm trạng: "Anh đã đi xa/ Chỉ còn những câu thơ ở lại/Những câu thơ tê tái/ Chạy như lá khô/ Viền tang trên trán phố chiều nay".
Tôi như thấy trong bài thơ này, Thanh Tùng đã viết về chính mình, về một nhà thơ đã sống một cuộc sống không dễ dàng gì trong những tháng năm lao khổ đầy biến động cùng với bạn bè, với Thành phố Cảng quê hương.
Ông lo lắng, nếu thành phố ấy thiếu một người thơ như ông thì lấy "Ai đi đón mùa thu ngoài đồng nội?/Ai vẽ lối cho mùa xuân trở lại?/Ai cãi cho lũ trẻ cầu bơ?/Ai nâng lên cánh hoa vừa rụng?/ Trời thấp xuống không gian chật chội/ Đàn ai từng giọt âm thầm".
Nhà thơ với nỗi lo của trái tim nhân hậu trước khi ngừng đập đã quặn lên nỗi đau đầy xúc động và ngậm ngùi khi chợt nhận ra: "Đời chỉ dành Anh chỗ xót xa/Anh vẫn ghìm từng câu thơ một/ Trận chiến này hụt sức/ Anh vẫn cần cho phía ngày mai/Anh đã đi xa/ Gió nói thế và hoa nói thế/ Có mang thơ vào cõi xanh xa".
Có thể nói, với bài thơ trên, trước lúc ra đi, Thanh Tùng vẫn như thấy mình còn cần cho cuộc chiến "chống lại cái ác và cứu rỗi cái đẹp" ngày mai như một Tráng - sĩ - thơ giàu chất sống phóng khoáng, phiêu bạt và thấm đẫm chất Hải Phòng nơi thi ca ông.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hon-tho-phong-khoang-chat-song-hai-phong-569011/