'Hồn trôi êm ái khúc du ca…' tiễn biệt nhà thơ Lâm Thị Vỹ Dạ

Xin được lấy câu thơ trong bài 'Đi cùng sông Hương' của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để tiễn biệt người thơ xứ Huế này về với miền mây trắng.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Đó là, vào sớm mai 6/7 khi hừng đông vừa ló dạng, những tia ban mai nâng đón bước chân thi nhân với một tâm hồn thánh thiện và trong veo mà thơ luôn là những đóa cúc mãi xanh…

Thánh thiện và trong veo...

Tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đi xa đã đem đến cho bao người không khỏi thảng thốt, tiếc thương. Dẫu biết rằng, sự ra đi này không quá đường đột khi những năm qua sức khỏe của nữ thi sĩ ngày càng giảm sút vì đã tảo tần dốc lòng chăm lo, chữa trị cho người chồng yêu dấu lâm trọng bệnh – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thế rồi, nhiều bệnh của tuổi xế chiều cứ sầm sập đến, nhất là Alzheimer đã xóa những ký ức của bà...

“Một người hiền tài đã ra đi”, nhà lý luận, phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã bày tỏ cảm xúc của mình như thế khi sáng nay trên các trang cá nhân Facebook trong văn giới truyền đi tin buồn về sự mất mát không gì có thể bù đắp được: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã nối gót những văn tài đích thực cứ lần lượt rời bỏ chúng ta đi về nơi vĩnh hằng.

“Tôi chỉ đúng một lần gặp gỡ NGƯỜI THƠ Lâm Thị Mỹ Dạ ở thành phố Huế, tại một lớp tập huấn nghề báo. Cũng đã hơn hai mươi năm có lẻ. Nhưng gương mặt thánh thiện, nụ cười thân ái, lời nói dịu dàng và đặc biệt là thơ của chị, với tôi, lúc nào cũng neo giữ trong ký ức lương thiện của riêng mình. Nếu ví phụ nữ với các loài hoa, thì với tôi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chính là HOA CÚC - như trong nhan đề một tập thơ của nữ sĩ - một loài hoa bình dị nhưng thiêng, hướng thượng”, ông Thắng chia sẻ.

Nhà thơ Phạm Đình Ân cũng xúc động nhớ lại kỷ niệm ông cùng học với Lâm Thị Mỹ Dạ tại lớp bồi dưỡng sáng tác khóa 5 ở trại sáng tác Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Mỹ Dạ kém ông ba tuổi và cùng là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên hai người rất vui vẻ thân thiện với nhau.

Hồi ấy, gia đình ông ở khu tập thể Nam Đồng rất nghèo, Mỹ Dạ cùng bạn bè đến nhà Đình Ân chơi để gặp gỡ nhau trao đổi thơ ca.

“Trước mặt tôi là người con gái hồn nhiên, yêu đời, tâm hồn cứ trong veo, không một chút gợn đục. Tâm hồn chị rất trong sáng, rất tươi trẻ và hướng tới ngoại cảnh, cái gì đối với chị cũng đẹp, không thấy cuộc đời này có gì xấu cả...”, ông Ân nhớ lại.

Nhất là, nhà thơ Bằng Việt đã bày tỏ cảm xúc bàng hoàng khi hay tin Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời. Ông nhớ lại những năm còn trẻ, ra Hà Nội, Mỹ Dạ cũng nhiều lần đến nhà ở cùng vợ ông, và ở cả nhà Xuân Quỳnh, thời kỳ Hà Nội phải sơ tán máy bay Mỹ và luôn luôn phải chạy ra hầm trú ẩn.

Theo nhà thơ Bằng Việt, Mỹ Dạ là một người sống rất thật thà, cả tin, chất Quảng Bình (quê gốc của nữ sĩ) trong con người chị luôn luôn làm mọi người thích thú bất ngờ, có lúc còn thích giễu cợt, đùa vui.

“Chẳng hạn, lúc đi trên phố, nhìn thấy mấy chiếc ma-nơ-canh (thời ấy mới bắt đầu có), dựng ở trước các nhà bán quần áo may sẵn, Mỹ Dạ về nhà, hớt hải bảo Xuân Quỳnh: “Này! Sao người ta dựng nhiều con bù nhìn giống chị thế, ở khắp các cửa hàng bán quần áo!”.

Thì ra, Xuân Quỳnh khá xinh gái, khuôn mặt cân đối, cũng khá giống ma-nơ-canh, mà thân hình cũng khá chuẩn, nên Mỹ Dạ vội nghĩ nhầm, rằng mấy cô hình nộm kia ở các cửa hàng quần áo chính là hình mẫu của Xuân Quỳnh! Tất nhiên Xuân Quỳnh cũng cười bò ra với sự ngây thơ đến chừng ấy...”, nhà thơ Bằng Việt kể.

Đóa cúc mãi xanh

Và, một Mỹ Dạ thánh thiện và trong veo ấy đã cất lên những vần thơ “rất hồn nhiên và luôn hướng về vẻ đẹp của cuộc đời”(nhà thơ Phạm Đình Ân); cũng như “mang vẻ đẹp của tinh thần nâng niu cái đẹp đời sống và con người” (nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng).

Bởi lẽ, từ tập thơ đầu in chung với nhà thơ Ý Nhi có cái tên đầy nữ tính “Trái tim sinh nở” (1974), độc giả yêu thơ đã bị chinh phục bởi một ngòi bút duy tình, nặng nghĩa. Đến các tập thơ “Bài thơ không năm tháng” (1983), “Hái tuổi em đầy tay” (1989), “Đề tặng một giấc mơ” (1998), “Hồn đầy hoa cúc dại” (2007)... những tập thơ định vị tài năng và phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trên thi đàn Việt Nam đương đại.

“Giữ gìn ký ức lương thiện như là cách thức chắt chiu cái đẹp chính là căn cước thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đã khúc xạ và tỏa rạng trong thi phẩm “Khoảng trời, hố bom” (giải Nhất Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, năm1973)”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhà thơ Bằng Việt cũng khẳng định: Mỹ Dạ đã sáng tác thơ từ bản năng rất chân thật ấy, nhưng cái bản năng này của chị được cộng thêm với sự thông minh và khả năng luôn tìm hiểu, phát hiện ra mọi thứ bất ngờ xung quanh, đã làm cho chất thơ của chị thực sự đáng yêu và độc đáo. Điều quan trọng nhất trong thơ của chị là sự chân thành, cùng với tính hồn hậu và sự hồn nhiên đến tận đáy.

“Tôi lại nghĩ, hình như hôm nay, người ta đang thích làm thơ “khôn lỏi” quá, bị lệ thuộc vào nhiều thủ pháp và sự tính toán thực dụng quá, và như thế, cũng làm cho chất thơ thật sự cứ dần mất mát đi... Vĩnh biệt chị, chúng ta luôn nhớ tới một con người chân thật, giản dị, thành tâm và gắn bó với mọi lý tưởng cao cả ở trên đời, nhưng không gắng gỏi chen lấn và đua tranh để cốt giành lấy một điều gì thực dụng, có lợi cho riêng mình; luôn sống vô tư, hồn nhiên, thậm chí lặng lẽ, chịu nhiều thiệt thòi trong số phận riêng, mà cũng không bao giờ muốn kêu ca, trách cứ ai”, nhà thơ Bằng Việt bày tỏ.

“Bạn đọc hay nói nhiều đến bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của Mỹ Dạ, nhưng tôi nghĩ, ngoài bài ấy ra, Mỹ Dạ còn rất nhiều bài khác, kể cả thơ chị viết cho thiếu nhi, đều có được những ưu điểm không thể trộn lẫn, đó là phẩm chất tự nhiên thực sự phóng khoáng và cởi mở của tâm hồn, sự thoải mái không khiên cưỡng trước mọi hiện tượng vô tư của tự nhiên và đời sống.

Đương nhiên, thời kỳ ấy, các nhà thơ lứa chống Mỹ đều rất có ý thức về việc làm thơ vì mục đích chính trị, tuyên truyền cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ca ngợi lòng yêu nước chân chính và phẩm chất cao đẹp, truyền thống sâu nặng của con người Việt Nam, luôn luôn phải vượt qua tất cả mọi thử thách lớn nhỏ. Tuy nhiên, tùy theo phong cách của mỗi người, cách thể hiện trong thơ cũng hoàn toàn khác nhau.

Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là một con người có tâm hồn, có bản lĩnh, không bao giờ vì các mục tiêu trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài của cuộc đời mình, của ngòi bút mình, với tư cách một nhà văn, nhà thơ chân chính, đó chính là phải hướng tới cái đích Chân - Thiện - Mỹ và chỉ viết ra điều gì mà bản thân mình cảm thấy thực sự có nhu cầu, mà thực sự lại muốn chia sẻ, ký thác. Chính vì thế, mà số lượng tác phẩm của Lâm Thị Mỹ Dạ cũng không thật nhiều, nhưng những gì chị đã viết ra, thì đều là những điều chị tâm đắc và đều có chất lượng. Đó phải chăng cũng là một bài học cho tất thảy những người viết chúng ta hôm nay?” - Nhà thơ Bằng Việt.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hon-troi-em-ai-khuc-du-ca-tien-biet-nha-tho-lam-thi-vy-da-post645877.html